Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị chậm tăng lương 1 năm

14/10/2020 10:56

Kinhte&Xahoi Khi đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương định kỳ. Vậy có trường hợp nào, cán bộ, công chức, viên chức bị chậm tăng lương không?

Cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương thường xuyên khi đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian giữ bậc, tiêu chuẩn để xét nâng bậc lương thường xuyên theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV.

Điều kiện cán bộ, công chức, viên chức tăng lương định kỳ

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên được Bộ Nội vụ quy định chi tiết tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV. Cụ thể, tại Điều 2 Thông tư 08 quy định, cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương định kỳ (nâng 01 bậc lương) nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ;

- Đủ điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

Với chức danh chuyên gia cao cấp: Sau 05 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp;

Ngạch, chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Sau 03 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh;

Ngạch, chức danh yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Sau 02 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh.

- Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên: Đạt đủ 02 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương:

Cán bộ, công chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; Không vi phạm một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Viên chức: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; Không vi phạm một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Như vậy, để được tăng nâng bậc lương thường xuyên, cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

Căn cứ:

Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức

Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức

Trong một số trường hợp sau đây, cán bộ, công chức, viên chức có thể bị chậm tăng lương (kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên):

Đối với cán bộ

Cán bộ thực hiện các hành vi vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến bị cách chức thì thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Đối với công chức

Công chức bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Trong đó:

Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;

- Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;

- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;

- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;

- Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

Như vậy: Công chức vi phạm các lỗi trên đây dẫn đến bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Đối với viên chức

Viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp.

Trong đó, hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;

- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;

- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;

- Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Như vậy: Viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm kể trên dẫn đến bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng.

Theo A.Vũ - Danviet.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá xăng dầu lại tiếp tục tăng từ 15h hôm nay

Tại kỳ điều chỉnh chiều nay (12/10), mỗi lít xăng E5RON92 tăng 53 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán tối đa là 14.268 đồng/lít; xăng RON95 tăng 138 đồng/lít, giá bán tối đa là 15.122 đồng/lít.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/truong-hop-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-bi-cham-tang-luong-1-nam-20201014080627091.htm