Truy trách nhiệm vụ đường sắt 'hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều'

21/05/2020 08:54

Kinhte&Xahoi Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị thanh, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm từng cá nhân cụ thể khi đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đội vốn khủng và nhiều lần lỗi hẹn.

Cử tri đề nghị thanh tra, làm rõ trách nhiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, cử tri Hà Nội một lần nữa nhắc đến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

Đây cũng là hai dự án bị đội vốn khủng và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước.

Trước tình hình trên, cử tri nhiều quận, huyện, thị xã của thành phố đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.

Vào thời điểm này năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cam kết sẽ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019. Sau nhiều lần lỗi hẹn, dự án này vẫn chưa thể đưa vào vận hành chính thức, mặc dù nó đã được hoàn thành tới 99%.

Trong báo cáo gửi Quốc hội vào năm ngoái, Bộ GTVT cho hay, hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Dự án đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.

Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Ngoài dự án này, các dự án đường sắt đô thị khác như: tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vải thiều quay về với “sân nhà”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu (XK) vải thiều năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do các thị trường truyền thống đóng cửa. Để tạo đầu ra cho sản phẩm vải thiều, bên cạnh việc tìm các thị trường XK mới Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/truy-trach-nhiem-vu-duong-sat-hua-that-nhieu-that-hua-that-nhieu-d125023.html