Tự hào bác sỹ Công an Thủ đô ở tuyến đầu chống dịch

26/04/2020 12:22

Kinhte&Xahoi Mùng 6 Tết Canh Tý là ngày làm việc đầu tiên trong năm mới của Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội. Thế nhưng đó không phải buổi gặp mặt đầu xuân như thông lệ mà là một cuộc họp gấp với các đơn vị của CATP để triển khai công tác phòng chống một loại dịch bệnh mới, thời điểm đó được định vị tên gọi là “virus Corona” đang bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Chăm sóc người cách ly tại Bệnh viện CATP Hà Nội

“Hơn 20 năm trong nghề y, chưa bao giờ chúng tôi phải đối mặt với thứ bệnh dịch bằng tinh thần “chống dịch như chống giặc” cả. Đó là một khái niệm còn rất mới” - vị bác sỹ nhớ lại. 
Bất ngờ ra tiền tuyến

Nhiệm vụ của Bệnh viện CATP Hà Nội khi đó là tổ chức phòng dịch trong nội bộ CATP với các biện pháp phòng ngừa như phun khử khuẩn cho các đơn vị, tuyên truyền về dịch bệnh và các phương pháp phòng chống đến các cán bộ chiến sỹ. Ngày 5-2, bệnh viện nhận được lệnh sẽ trở thành điểm cách ly tập trung các công dân đến Việt Nam đã từng đi qua vùng dịch.

Bác sỹ Hiền kể, ngay trong đêm khi nhận được công văn hỏa tốc, chúng tôi lập tức sửa sang, cải tạo khu vực tầng 5 và tầng 6 của đơn vị để sẵn sàng tiếp đón người cách ly. Đây vốn là những căn phòng dành cho cấp chỉ huy các đơn vị trong CATP về học tập tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ nên cơ sở vật chất khá khang trang với 44 phòng, mỗi phòng 2 giường với đầy đủ tiện nghi. Để biến thành khu cách ly đạt chuẩn, lãnh đạo bệnh viện đã liên lạc với Sở Y tế Hà Nội để tham khảo, nhằm cải tạo, gia cố cho phù hợp. Chưa đầy 1 tuần sau đó, những công dân đầu tiên đã được đưa đến đây để cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Thời điểm tôi gặp bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền là vào ngày cuối cùng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khi chị trở về nhà sau 15 ngày chiến đấu liên tục tại bệnh viện. Bất ngờ đầu tiên là mái tóc dài ngày nào của chị giờ đã ngắn trên cả vành tai. “Cắt đi để gọn gàng hơn khi mặc trang phục bảo hộ, biết đâu vì thế trông mình lại trẻ ra” - chị tếu táo đùa. Nhớ lại những ngày đầu đón người cách ly, khi mọi thứ còn chưa sẵn sàng thì các y bác sỹ ở đây đã phải nhận nhiệm vụ.

Chỉ 15 phút nữa người cách ly đã đến bệnh viện nhưng những bộ quần áo bảo hộ vẫn chưa có. Vì thế, các chị phải tự trang bị cho mình những bộ đồ bảo hộ cùng các “phụ kiện” đi kèm. Thế nhưng, những y bác sỹ vẫn vào cuộc với một tinh thần tự tin mãnh liệt dù con virus mang tên Corona ở thời điểm ấy đã lấy đi mạng sống của hàng nghìn người dân Vũ Hán. 

Không ai biết trong số hàng chục đồng bào về nước cách ly kia có bao nhiêu người nhiễm bệnh. “Chúng tôi kiểm tra thân nhiệt cho người cách ly 2 lần/ngày, hỏi han kỹ lưỡng về tình hình sức khỏe. Có những cậu thanh niên rất khỏe nhưng lại sốt cao tới gần 39 độ và được đưa đi làm xét nghiệm. Nhưng sau đó kết quả cho thấy họ đều âm tính và lại đưa về đây tiếp tục cách ly” - bác sỹ Hiền kể.

Những lo lắng rồi cũng qua đi khi Việt Nam trong nhiều ngày chỉ duy trì ở mức 16 người nhiễm bệnh. Guồng quay phục vụ người cách ly tại Bệnh viện CATP dần đi vào nề nếp. Nhưng rồi ngày 6-3 bệnh nhân số 17 xuất hiện và dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn 2 tại Việt Nam. Dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới và ngày càng nhiều hơn những công dân Việt Nam trở về. Có những đợt cao điểm, Bệnh viện CATP tiếp nhận 92 người cách ly cùng lúc.

Những phòng trước kia là nơi chứa vật tư thiết bị cũng được chưng dụng, những cú điện thoại lúc nửa đêm đã trở thành quen thuộc. Lãnh đạo bệnh viện được chia thành 3 ca trực chỉ huy, nhưng do số điện thoại của bác sỹ Hiền đăng ký với CDC Hà Nội và Trung tâm cấp cứu 115 nên dù ngày hay đêm, lúc nào có người từ sân bay về Hà Nội là chị lại bị gọi. Có những ngày không phải trực, nhưng chị vẫn mất ngủ vì những cú điện thoại đêm như vậy. Ăn ngủ thất thường liên tục đã khiến chị bị viêm loét dạ dày, sút mất vài kg trong những ngày chống dịch. 

Vui buồn nghề nghiệp

Bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện CATP chia sẻ: “Đại đa số người về cách ly tại Bệnh viện CATP đều là những người có văn hóa, nhưng cũng có những người không chấp nhận việc bị cách ly. Thậm chí có người còn chửi bới cả các y bác sỹ đến kiểm tra sức khỏe hàng ngày. Có lần một y sỹ của bệnh viện đã phải bật khóc vì bị người cách ly xúc phạm bằng những lời lẽ hết sức nặng nề. Chúng tôi lại phải lên gặp gỡ, tuyên truyền đề nghị người bị cách ly hợp tác để đảm bảo sức khỏe cho chính họ và cả cộng đồng” 

Khoa Nội của bệnh viện là lực lượng chủ công trong công tác phục vụ cách ly với vẻn vẹn 7 y bác sỹ và 6 hộ lý. Dù lực lượng mỏng, nhưng các nhân viên y tế ở đây vẫn chia thành 3 ca chăm sóc người cách ly từng ly từng tý. Có những người như hộ lý Võ Hồng Nga đành để con nhỏ ở nhà và trực tại bệnh viện trong suốt những ngày chống dịch.

Mỗi ngày, chị Nga leo ít nhất 3 lần từ tầng 1 lên tầng 6 để đưa cơm, rồi đi dọn vệ sinh, khử khuẩn từng phòng. “Mang vác nặng, sức đàn bà con gái, mới đầu các chị em ở đây ai cũng mệt “bã người”. Nhưng vì nguyên tắc phòng dịch, tất cả mọi người buộc phải quen thôi. Mình không làm thì ai làm bây giờ?” - chị Nga cười. Trong khi chị Nga đang dành thời gian, công sức để chăm sóc những đứa trẻ con của những công dân bị cách ly, thì ở nhà cô con gái bé bỏng của chị đang mếu máo với ông bà đòi mẹ.

Trong khu cách ly có những câu chuyện vụn vặt mà đôi lúc những nhân viên y tế như chị Nga không biết nên cười hay mếu. “Chúng em leo 6 tầng gác cùng những suất cơm nặng trĩu vai lên phục vụ. Thế nhưng, nhiều bạn sau đó chê cơm không hợp khẩu vị và gọi điện cho người nhà đưa đồ tiếp tế đến. Vậy là số cơm đó chúng em lại bê xuống và tiếp tục leo 6 tầng lần 2 để đưa đồ tiếp tế tới từng người. Dĩ nhiên, số cơm ế ấy sẽ dành cho các y bác sỹ. Và trong ngày, số người có nhu cầu đổi bữa như thế không chỉ xảy ra duy nhất 1 lần. Nhưng như vậy vẫn chưa hết, có những chuyến hàng tiếp tế của người dân, chúng em thấy gửi vào hàng thùng nước Lavie dù trong này không hề thiếu nước. Đến khi kiểm tra, mọi người mới phát hoảng khi phát hiện bên trong đựng toàn... rượu” - chị Nga thở dài

Đợi ngày chiến thắng

Tính đến thời điểm này, khu cách ly tập trung của Bệnh viện CATP chỉ còn 4 người trở về từ Mỹ. Các nhân viên y tế ở đây đã đón tiễn gần 1.000 lượt công dân về cách ly tập trung bắt đầu từ ngày 11-2 đến nay. “Những ngày làm việc ở khu cách ly tập trung không chỉ có nỗi buồn mà còn có rất nhiều niềm vui. Đó là sự tử tế của người cách ly khi họ hiểu được công việc của chúng tôi và hợp tác tích cực. Là lời khen “tôi bị tăng cân vì các anh chị chăm sóc tôi quá tốt” của chính công dân khi họ hết thời hạn cách ly và trở về nhà. Là những sự ủng hộ, động viên của đồng chí, đồng đội trong CATP như Báo An ninh Thủ đô tặng tranh, kinh phí hỗ trợ chống dịch. Và vui nhất là trong số gần 1.000 người cách ly tại đây, xét nghiệm trước khi ra về, ai cũng có kết quả âm tính” - bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ. 

Hà Nội đã dần khống chế được dịch bệnh, nhịp sống đô thị đã dần trở lại không xáo trộn như trước khi dịch xảy ra. Những chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện CATP bắt đầu được nghỉ ngơi sau một thời gian dài chiến đấu không mệt mỏi. “Chúng tôi mong chờ ngày chiến thắng, nhưng vẫn luôn giữ tâm thế sẵn sàng quay trở lại mặt trận bất cứ lúc nào. Cuộc chiến vẫn còn ở phía trước và những người lính chưa bao giờ quên nhiệm vụ của mình” - lãnh đạo Bệnh viện CATP bày tỏ. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với sản phẩm giảm cân L-Star

Thời gian qua, thị trường kinh doanh online đang dậy sóng bởi sản phẩm có tên gọi "Giảm cân L-Star" với công dụng giúp người thừa cân, béo phì, người có nhu cầu muốn giảm béo, giảm từ 3-7kg trên một liệu trình 30 ngày. Tuy nhiên, còn đó nhiều bất thường khiến dư luận không khỏi hoài nghi...

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tu-hao-bac-sy-cong-an-thu-do-o-tuyen-dau-chong-dich/851875.antd