Tự hào những phụ nữ Hà Nội anh hùng, đảm đang, nhân văn

10/03/2022 09:24

Kinhte&Xahoi Dù trong chiến tranh lửa đạn hay trong hòa bình, dựng xây đất nước, vun vén gia đình; Dù lập chiến công lẫy lừng, ghi tên vào sử sách hay chỉ là những người làm việc nhà, việc nước bình thường, phụ nữ Hà Nội cũng vẫn là những anh hùng trên chính “mặt trận” mà mình đã và đang hoạt động.

Xứng danh con cháu Hai Bà Trưng

 Nói đến phụ nữ Thủ đô, không thể không nhắc đến niềm tự hào của người dân Mê Linh, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là hai Vua Bà nổi danh trong lịch sử Việt Nam. Có lẽ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống lẫy lừng mà Hai Bà Trưng để lại như vậy, phụ nữ Thăng Long - Hà Nội cũng kế thừa được tinh thần, phẩm chất của Hai Bà mà lập nên nhiều kì tích.

Phụ nữ Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Thủ đô (Ảnh tư liệu)

Theo sử sách để lại, chỉ tính riêng những năm gần đây, khi giặc Pháp đánh chiếm Thủ đô Hà Nội, các thế hệ phụ nữ nơi đây đã nêu cao tinh thần yêu nước, lòng quả cảm để đấu tranh anh dũng trên các mặt trận chống Pháp bảo vệ Thủ đô. Nhiều chị đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cứu thương ở mặt trận Bạch Mai, Ô Cầu Dền.

Dũng cảm nhất là đội nữ du kích Hồng Hà, đội nữ giao thông Lãng Bạc hàng đêm đều vượt sông qua các vị trí địch đem lương thực, thực phẩm, thuốc men, thư từ vào nội đô. Nhiều tấm gương dũng cảm lao vào trại địch lấy súng máy như vụ nhà Tiền, nhà Dầu, có chị đã dùng dao găm hạ gục 5 tên giặc.

Tiểu đội nữ Ngọc Hà thuộc Đại đội 134 đã dùng lựu đạn, dao găm, mã tấu đánh giáp lá cà. Có chị tham gia chiến đấu với tinh thần cảm tử như chị Nguyễn Thị Lợi xách chiếc va li đặt mìn nổ chậm lên tàu lính thủy đánh bộ Pháp.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945, phụ nữ Hà Nội đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng đấu tranh đánh đổ kẻ thù đập tan xiềng xích nô lệ; Góp phần không nhỏ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng bản thân. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, quỹ “Đảm phụ quốc phòng” nhiều chị em đã vận động gia đình ủng hộ chính quyền cách mạng tổng số đạt 2.201 lạng vàng, 9.200 tạ thóc trị giá hơn 7 triệu đồng thời bấy giờ.

Chị em phụ nữ Hà Nội tưng bừng đón đoàn quân trở về trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)

Ngày 10/10/1954 trọng đại, trong không khí hân hoan, phấn khởi, chị em phụ nữ Hà Nội từ nội, ngoại thành rực rỡ cờ hoa, tự hào đón mừng Ủy ban Quân chính và bộ đội vào tiếp quản thành phố.

Giai đoạn này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập ngày 20/10/1954 đã có vai trò quan trọng trong tập hợp, động viên chị em phụ nữ hăng hái lao động sản xuất, khẳng định vị thế và sức đóng góp của mình.

Tiếp tục khẳng định vị thế của phụ nữ Thủ đô thời hiện đại

 Cùng với các anh em nam giới, phụ nữ Thủ đô đã lập nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trong cuộc chiến đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như chị Đỗ Thị Minh bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa. Các chị Đặng Thị Liên, Nguyễn Thị Ngoan (Đông Anh), Hoàng Thị Diệu, Đỗ Thị Văn (Gia Lâm), trong trận đầu đánh máy bay địch đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội diệt giặc.

Bà Nguyễn Thị Tý, nữ tự vệ phường Giang Biên trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)

Đó là các chị Phan Thị Viễn, Ngô Thị Hiếu đã hợp đồng tác chiến với bộ đội tên lửa bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Những cái tên như Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bách, Nguyễn Thị Kim Thu, Trần Thị Lan vẫn gắn chặt với các chiến công bắt giặc lái Mỹ…

Bước vào thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, các chị em phụ nữ lại hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng, ba đảm đang”. Đặc biệt những tấm gương như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các nữ chiến sĩ Hà Nội tại khắp các chiến trường đã khiến đời đời người Hà Nội, Việt Nam và quốc tế cảm phục, tôn kính.

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Nối tiếp truyền thống lịch sử anh hùng, phụ nữ Hà Nội ngày nay cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động chính trị, xã hội. Ngoài việc tham gia và giữ các vị trí trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tham gia các hội đoàn để tăng cường tiếng nói của giới trong các chương trình nghị luận xã hội, phụ nữ trí thức Thủ đô còn gặt hái nhiều thành tựu trong hoạt động khoa học, rất nhiều các chị đã đoạt các giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng Hồ Chí Minh… cho các công trình khoa học.

 Phụ nữ Hà Nội đã tham gia mạnh mẽ các phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Góp phần “xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ”…

Trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hiện nay, người phụ nữ là người bà, người mẹ, người chị trong gia đình đã góp phần to lớn vào việc định hình tính cách, phong thái ứng xử của mỗi cá nhân của Thủ đô. Đặc biệt, trong hơn hai năm diễn ra dịch bệnh COVID-19, phụ nữ Hà Nội tiếp tục phát huy vai to lớn của mình trong việc vận động, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phụ nữ Thủ đô lan tỏa yêu thương, chia sẻ, đẩy lùi dịch bệnh

Không những thế, trong những ngày Hà Nội giãn cách hay tiêm vắc xin thần tốc và cả những ngày cao điểm của dịch bệnh như hiện nay, các bà, các mẹ, các chị vừa giữ gìn vừa đảm bảo mỗi gia đình là một pháo đài, từng cá nhân tự giác chấp hành các quy định vừa là người chăm lo sức khỏe cho cả gia đình.

“Bão lửa” của dịch bệnh không ngăn nổi những bước chân chu đáo của các bà, các chị trong Tổ COVID-19 cộng đồng, đi chợ giúp người dân, chăm lo cho bệnh nhân, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn…

Tất cả những điều đó lại càng tô thắm, khẳng định thêm phẩm chất đảm đang, tháo vát, anh hùng, nhân văn, linh hoạt, giỏi việc nước, đảm việc nhà của người phụ nữ Hà Nội.

 Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Siêu thị nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để bình ổn giá hàng hóa

Giá xăng tăng sát mốc 27.000 đồng/lít - mức giá cao nhất từ trước đến nay, đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp nhằm giúp người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể.

Đổi mới liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân cũng như góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững. Thời gian tới, nông nghiệp Thủ đô và cả nước sẽ tập trung đổi mới liên kết chuỗi cung cấp nông sản, qua đó giải quyết nhiều “bài toán” đặt ra từ thực tế phát triển.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tu-hao-nhung-phu-nu-ha-noi-anh-hung-dam-dang-nhan-van-191470.html