Tư vấn tiêu dùng: Mua sắm Tết tiết kiệm, thông minh

25/01/2024 10:16

Kinhte&Xahoi Hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây cũng là lúc các bà nội trợ "đau đầu" với danh sách dài những món đồ cần mua sắm. Để có cái Tết cổ truyền vui tươi, nhiều người đã có những chia sẻ về bí quyết mua sắm tiết kiệm, thông minh.

Khách hàng chọn mua bánh, kẹo tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Danh sách những khoản, mục cần chi tiêu

Tết đến là thời điểm các gia đình trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm hoa tươi, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo, quà Tết biếu gia đình hai bên nội - ngoại… Đây cũng là lúc các bà nội trợ có danh sách nhiều khoản, mục cần chi tiêu.

Để thể hiện lòng biết ơn với các thể hệ đi trước và ước mong những điều tốt lành cho năm mới, trên bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình không thể thiếu mâm ngũ quả với các loại trái cây, như: Chuối, bưởi, xoài, cam, quất, cùng hương, hoa, bánh, trà… Phần quan trọng không kém trong ngày Tết của mỗi gia đình là sắm thực phẩm tươi sống, như thịt gà, bò, tôm, trứng...; thực phẩm khô, như măng, miến, nấm, mộc nhĩ và thực phẩm chế biến sẵn, như giò, chả, lạp xưởng... Chị Nguyễn Thanh Hà (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình chị vẫn giữ truyền thống tự gói bánh chưng, do đó, ngoài các thực phẩm thông thường, chị còn phải sắm đủ các nguyên liệu làm bánh, như đậu xanh, gạo nếp, lá dong, thịt ba chỉ.

Để có không gian phòng khách thật tươi mới, mang hơi thở mùa xuân, các gia đình đều chú trọng trang hoàng nhà cửa đón Tết. Nhiều gia đình sắm mới từ sofa đến tranh tường, đèn trang trí, hay sơn sửa lại tường. Không gian gia đình được trang trí bằng vài món đồ như câu đối Tết, pháo giấy, quạt giấy đỏ hay chậu hoa mai, hoa lan, cây quất cảnh, cành đào… Rồi còn sắm sửa bánh kẹo, mứt Tết, trà, rượu, những túi quà Tết tặng bố mẹ, anh, em… Theo phong tục của người Việt, dù quanh năm bận rộn, vất vả nhưng ngày Tết phải tròn đầy, sung túc.

Những ngày này, không khí Tết đã rộn rã tại các chợ, siêu thị, khi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã được giới thiệu đến người mua. Còn trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, số lượt tương tác, mua sắm đã tăng lên. Các loại đặc sản, địa điểm bán hàng giảm giá cho dịp Tết này cũng được chia sẻ, giới thiệu.

"Săn" khuyến mãi, mua hàng giá ưu đãi

Thị trường hàng hóa dồi dào, phong phú nên việc mua sắm của các bà nội trợ đã trở nên dễ dàng. Song, để mua sắm sao cho tiết kiệm mà vẫn đủ đầy, trọn vẹn lại không hề dễ dàng.

Dù bận rộn với các công việc công sở dịp cuối năm Quý Mão song chị Nguyễn Kim Dung (phố Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng) vẫn có thể mua sắm tiết kiệm, thông minh khi có một kế hoạch chi tiêu đúng cách. Trong dịp lễ, Tết, theo kinh nghiệm của chị Dung, danh sách mua sắm cần lập gồm nhóm đồ trang trí, đồ khô, thực phẩm tươi sống, hoa cây cảnh… Đây cũng là cách nhiều bà nội trợ áp dụng và danh sách chi tiêu phải dựa trên kinh tế của gia đình, để không lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Muốn vậy, kế hoạch mua sắm phải dự trù cụ thể loại đồ dùng cần mua, mức tiền chi, thời gian mua nhằm quản lý tốt việc chi tiêu, tránh thừa hay thiếu.

Theo nhiều bà nội trợ, bí quyết mua sắm vừa thảnh thơi, vừa tiết kiệm ngân sách là mua sắm sớm và “săn” khuyến mại để có thể mua được những món hàng ưng ý với giá phải chăng. Thực tế, các đơn vị bán lẻ đã sớm tổ chức các chương trình khuyến mại giảm giá sâu, đem đến cơ hội mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng, cùng các dịch vụ tăng thêm.

Phó Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi WinMart, WinMart+, Win - Nguyễn Tiến Dũng cho biết, từ ngày 11 đến 24-1, hệ thống bán lẻ của WinMart trên toàn quốc triển khai chương trình ưu đãi lên đến 50% với hơn 600 sản phẩm đa dạng ngành hàng. Hệ thống siêu thị BigC, Go, Aeon, BRG… cũng đã triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại sâu, tập trung với các nhóm hàng thiết yếu. Chị Lê Thị Thủy, quản lý cửa hàng thực phẩm Bác Tôm (phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên) cho hay, dịp này cửa hàng đưa ra các chương trình ưu đãi, trong đó giảm giá một số mặt hàng với khách hàng mua nhiều. Từ thực tế sức mua của thị trường, đại diện các siêu thị cho biết tăng từ 15 đến 20% lượng giỏ quà có giá thấp, trong đó có cả những giỏ quà giá chỉ 99.000 đồng.

Nắm bắt thị trường, chị Lê Thu Hương (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đã sớm tìm hiểu các chương trình khuyến mại của các siêu thị để có kế hoạch mua sắm sớm. “Do đã lên sẵn danh sách các mặt hàng cần mua nên ngay khi các siêu thị triển khai chương trình khuyến mại, tôi đã tranh thủ mua sớm các loại hàng khô như măng, miến, nấm hương, bánh kẹo, giỏ quà...”, chị Hương nói. Điều này giúp chị giảm được một phần chi phí, quản lý được chi tiêu và thêm thảnh thơi những ngày cận Tết.

Cũng như chị Lê Thu Hương, nhiều người cho rằng mua sớm là giải pháp giúp giảm chi phí vì giá hàng hóa phải chăng, bởi càng tới thời điểm sát Tết, giá một số loại hàng hóa có thể “nhảy múa” bất thường. Cùng với đó, các bà nội trợ còn chia sẻ những bí quyết mua sắm tiết kiệm và thông minh, như mua hàng ở những khu chợ đầu mối với nguồn hàng dồi dào, mức giá bán buôn; tự làm các món đồ ăn như dưa hành, thịt đông, mứt Tết… để giảm chi phí.

Chị Nguyễn Hoài An (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đã rủ bạn bè sắm Tết chung với số lượng nhiều để có giá sỉ hoặc nhận được một số các khuyến mại từ người bán. Tuy nhiên, theo chị An, chỉ nên mua vừa đủ dùng nhằm tránh mất kiểm soát chi tiêu, bởi ngay mùng Một, mùng Hai Tết, nhiều chợ, siêu thị đã mở bán với các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Lan Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

An toàn thực phẩm dịp Tết: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Sau 1 tháng các cơ quan chức năng của Hà Nội ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết, hàng loạt vi phạm đã được phát hiện và xử lý. Điều đó cho thấy, dù đã được cải thiện nhưng thị trường thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tu-van-tieu-dung-mua-sam-tet-tiet-kiem-thong-minh-656777.html