Những ngày qua, liên quan đến thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh nCoV khiến người dân bị hoang mang, lo lắng.

Dịch cúm Corana đã ảnh hưởng đến 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cơ quan công an đã phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội (MXH).

Phóng viên Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Cường nhận định, hiện nay, các tin giả, tin xấu, tin độc hại, xuyên tạc sự thật thường nhằm vào một số mục đích như: Mục đích chống phá chính quyền, làm mất, giảm uy tín của Đảng, của Nhà nước và của một số cán bộ, lãnh đạo; Hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật còn nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Hành vi tung tin giả, tin sai sự thật còn nhằm thu hút lượng người theo dõi, tương tác để trở nên nổi tiếng hơn trên mạng xã hội, đồng thời hành vi này có thể gây ra những hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, gây hoài nghi và lo lắng cho nhiều người.

Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng để quản lý thông tin, đảm bảo thông tin trên không gian mạng được kiểm soát một cách tốt nhất nhằm phục vụ quyền và lợi ích pháp của tổ chức, của cá nhân công dân và để đảm bảo lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế. 

Ngoài Luật An ninh mạng tạo ra hành lang pháp lý cho hành vi của tổ chức, cá nhân trong không gian mạng thì pháp luật Việt Nam còn nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, quy định trong từng lĩnh vực; Có nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện để xử lý những hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng dành riêng một mục là Mục 2, từ Điều 285, đến Điều 294 để quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, nhiều tội danh đã được liệt kê, mô tả và quy định mức chế tài nghiêm khắc để xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Cũng theo luật sư Cường, ngoài hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh thì chúng ta còn có Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, bổ sung nhân tài, vật lực cho Bộ thông tin, truyền thông và các cơ quan có liên quan… Nên có thể nói rằng Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, đủ nhân tài, vật lực để đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, với các hành vi vi phạm trên MXH. 

Điển hình là thời gian lần đây liên tục phát hiện, xử lý những vụ án đánh bạc, lừa đảo bằng công nghệ cao trăm tỉ, nghìn tỉ… Nhiều đối tượng tuyên truyền chống phá nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị phát hiện xử lý theo quy định pháp luật. 

Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn, theo quy định, trường hợp loan tin sai sự thật, câu like, phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, với mức phạt tù lên đến 3 năm và phạt tiền đến 200 triệu đồng...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá thịt lợn đồng loạt giảm

Từ hôm qua (3/2), giá thịt lợn trên cả nước đồng loạt giảm từ 1.000 - 2.000 đồng một kg. Đây là diễn biến tích cực sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm 31/1/2020.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tung-tin-don-gia-ve-virus-corona-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-d116617.html