Đưa thông tin giả mạo lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt nặng

Hoảng loạn vì tin giả

Chị Hoàng Minh Nguyệt (Trung Văn- Nam Từ Liêm) cho biết: “Từ ngày Hà Nội có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, thông tin về dịch bệnh, về các nạn nhân trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook ngày càng nhiều. Tin đồn trên mạng đã khiến bà con tranh nhau mua hàng tích trữ, tâm lý hoảng loạn, sợ sệt bao trùm. Nhiều người có thông tin đầy đủ hơn muốn tỏ ra bình tĩnh, giảng giải cho người xung quanh nhưng số đông không nghe”.

Tương tự, theo chị Thu Hằng (Tây Sơn- Đống Đa), hai vợ chồng chị nảy sinh mâu thuẫn vì cách đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 khác nhau. “Chồng tôi ít khi đọc báo, thường chỉ đọc thông tin trên mạng và nghe đồn từ những người xung quanh nên rất sợ, về nhà cấm vợ con làm việc này việc kia, không khí gia đình rất căng thẳng. Trên mạng xã hội đưa nhiều thông tin giật gân, đánh vào tâm lý tò mò của người dùng và thông tin luôn rất sớm nên mọi người tin tưởng.

Trong khi đó, tôi đọc báo, tham gia mạng xã hội, tôi phủ nhận cách đánh giá thiên về tiêu cực của mạng xã hội và đưa thêm thông tin từ các báo, đài thì chồng tôi không nghe. Thậm chí chồng tôi còn cho rằng báo đài nói 1 chiều, giấu dịch, chỉ nói điều tốt”- chị Thu Hằng nói.

Hôm qua (10-3), khi cả nước bắt đầu thực hiện khai báo y tế toàn dân, lập tức trên mạng xã hội đã chia sẻ thông tin rằng địa phương A, địa phương B đã có người nhiễm bệnh nên phải khai báo để cách ly. Thông tin xuyên tạc này được chia sẻ rộng rãi, khiến người dân hoang mang.

Trước mỗi sự kiện lớn của đất nước, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều. Những tin đồn này phần lớn là không chính xác, gây hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn làm mất niềm tin của người dân vào chính quyền, vào thông tin chính thống, gây nhiễu loạn xã hội.

Phạt nghiêm nếu vi phạm

Mới đây, một Facebooker trú tại quận Đống Đa (Hà Nội), chủ nhân tin đồn bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 đi dự khai trương Uniqlo ngày 6-3 đã bị cơ quan Công an mời lên làm việc và xử phạt vì hành vi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Trước đó, tại nhiều địa phương trên cả nước, hàng trăm cá nhân đưa tin giả về dịch bệnh Covid-19 lên mạng xã hội, đưa tin thất thiệt về tỏi Lý Sơn… đã bị xử phạt nặng, trong đó có cả những người nổi tiếng.

Điểm d, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác".

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP  ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020, Điều 101 quy định: phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc  phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Ngoài phạt tiền, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Mặc dù các siêu thị, nhà sản xuất đã cam kết cung cấp đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá cả, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm tích trữ. Khuyến nghị dành cho người dân lúc này là cần bình tĩnh, hãy là những người tiêu dùng thông thái, góp phần ổn định thị trường.

Hà Nội: Chợ, siêu thị đầy ắp hàng hóa, sức mua giảm

Không còn cảnh tranh giành vơ vét mua hàng hóa tích trữ, qua khảo sát một số chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội và sáng 8/3, thị trường đã ổn định hàng hóa trở lại, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa. Cùng với đó sức mua cũng đã giảm mạnh.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tung-tin-gia-len-mang-se-bi-phat-nang/846017.antd