Tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021: Tạo thuận lợi nhất cho học sinh

29/07/2020 16:03

Kinhte&Xahoi Từ ngày 1-8-2020, thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức tuyển sinh đầu cấp (vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6) năm học 2020-2021. Bổ sung trường, lớp để giảm quá tải, tích cực hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho học sinh là giải pháp đang được ngành Giáo dục Thủ đô tập trung triển khai.

Hà Nội triển khai tuyển sinh trực tiếp, trực tuyến để tăng tính minh bạch và thuận lợi cho phụ huynh học sinh. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Quang Thái

Tích cực hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến 

Năm học 2020-2021, phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp ở Hà Nội vẫn ổn định, đó là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Phạm Quốc Toản cho biết, nhằm tăng tính minh bạch, giảm vất vả cho phụ huynh học sinh, Hà Nội tiếp tục duy trì song song hai hình thức tuyển sinh trực tiếp và tuyển sinh trực tuyến. Phụ huynh có thể đến trường nộp hồ sơ hoặc đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Phần mềm tuyển sinh trực tuyến của Hà Nội đã vận hành ổn định và ngày càng hoàn thiện. Mỗi năm, phần mềm hỗ trợ gần 300.000 gia đình học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công, bảo đảm chính xác, minh bạch.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng, với quyết tâm có khoảng 80% số hồ sơ đăng ký trực tuyến, phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ hơn về ý nghĩa và quyền lợi khi áp dụng tuyển sinh trực tuyến. Đây cũng là giải pháp để hạn chế sự tiếp xúc, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và người dân khi tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. 

Với kinh nghiệm của đơn vị có tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến đạt 100% trong kỳ tuyển sinh năm học 2019-2020, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện cho biết, ngoài việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn trên loa truyền thanh để phụ huynh có thể tự đăng ký tuyển sinh trực tuyến tại bất cứ nơi nào thuận tiện, trong những ngày tổ chức tuyển sinh, các trường đều bố trí máy tính và giáo viên trực, sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh.

Bà Trần Thị Thanh, tổ 27 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết: "Năm ngoái tôi đi làm thủ tục tuyển sinh cho các cháu và tôi thấy tuyển sinh qua mạng rất thuận tiện, không còn lo phải đi sớm để giành chỗ học. Năm nay, tôi có một cháu ngoại vào lớp 6 Trường Trung học cơ sở Nhật Tân và tôi sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến". 

Tăng đầu tư để giảm quá tải

Hà Nội đã đầu tư xây mới nhiều trường học để tránh quá tải học sinh trong năm học 2020-2021. Trong ảnh: Giáo viên Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) hướng dẫn học sinh lớp 1 làm bài tập. Ảnh: Đỗ Tâm

Năm học 2020-2021, quy mô học sinh trong độ tuổi mầm non 5 tuổi vẫn ổn định như năm trước, các khối lớp còn lại tăng nhẹ. Cụ thể, số học sinh vào lớp 1 năm nay khoảng 167.000 em, tăng 9.600 em; số học sinh vào lớp 6 là 135.000 em, tăng gần 6.300 em so với năm trước. Song, do dự báo quy mô học sinh ngày càng tăng, các đơn vị đã tăng cường đầu tư xây dựng bổ sung thêm trường, lớp học, quyết tâm giải quyết bài toán quá tải học sinh.

Theo thống kê của quận Hoàng Mai, năm học 2020-2021 quy mô giáo dục của quận có 92.000 học sinh - đông nhất trong số các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội và tăng so với năm học trước khoảng 3.000 em. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, số lượng học sinh tăng tập trung ở một số nơi có nhiều tòa nhà cao tầng mới đưa vào sử dụng, dẫn đến hiện tượng quá tải ở một số trường. Phòng đã tham mưu cho UBND quận cải tạo, nâng cấp 15 trường học, bổ sung 91 phòng học mới và chuẩn bị khởi công 4 trường học trên địa bàn…

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, mỗi năm quận Hà Đông xây dựng thêm từ 3 đến 7 trường học. Năm học 2020-2021, quận đã xây dựng mới thêm 5 trường học, trong đó có 3 trường tiểu học để bổ sung cho các phường có đông dân cư sinh sống, như: Văn Khê, Vạn Phúc, Phú Lương…

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng thông tin: Huyện dành từ 35% đến 40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Năm học 2020-2021, huyện tập trung thực hiện việc tách trường ở một số nơi có chiều hướng gia tăng về quy mô học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, chuẩn bị cho năm học 2020-2021, khối quận, huyện, thị xã có 38 trường học được xây dựng, thành lập mới với kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng; khối trực thuộc Sở có 72 trường học được cải tạo, nâng cấp với kinh phí 445 tỷ đồng. Về cơ bản, với quy mô 2.792 trường học như hiện nay, Hà Nội đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, song vẫn còn hiện tượng quá tải cục bộ ở một số nơi. “Về lâu dài, Hà Nội đang quyết liệt rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tăng cường đầu tư toàn diện, tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các trường học”, ông Phạm Văn Đại nói.

Phụ huynh có thể truy cập vào Hệ thống tuyển sinh trực tuyến

http://tsdaucap.hanoi.gov.vn để đăng ký tuyển sinh theo lịch: Trường tiểu học tuyển sinh lớp 1 từ ngày 1-8 đến hết ngày 3-8-2020; trường mầm non tuyển sinh trẻ 5 tuổi từ ngày 4-8 đến hết ngày 6-8-2020; trường trung học cơ sở tuyển sinh lớp 6 từ ngày 7-8 đến hết ngày 9-8-2020. Nếu chưa đăng ký tuyển sinh trực tuyến trong thời gian nói trên, phụ huynh đến trường đăng ký tuyển sinh trực tiếp từ ngày 13-8 đến hết ngày 15-8-2020.              

 Thống Nhất - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khẩu trang y tế tăng giá

Sau thông tin Đà Nẵng liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid - 19 mới, lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nhiều người bắt đầu tích trữ khẩu trang khiến mặt hàng này nhanh chóng tăng giá.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tuyen-sinh/974090/tuyen-sinh-dau-cap-nam-hoc-2020-2021-tao-thuan-loi-nhat-cho-hoc-sinh