Cuối tháng 1/2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT ký ban hành kết luận thanh tra số 03/KL-TTr về công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường ĐH Trưng Vương (Thị trấn Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc). Theo đó, kết luận thanh tra chỉ ra một số vi phạm của Trường trong quá trình thực hiện tuyển sinh, quản lý đào tạo.
Liên tiếp tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Theo kết luận thanh tra, năm 2021 và năm 2022, việc xác định chỉ tiêu ĐH và chỉ tiêu ThS vượt năng lực, vi phạm quy định. Cụ thể, năm 2021, Trường thực hiện xác định chỉ tiêu ĐH chính quy Khối ngành III và xác định chỉ tiêu ĐH vừa làm, vừa học (VLVH) khối ngành III và khối ngành VI vượt năng lực, vi phạm quy định.
Năm 2022, Trường thực hiện xác định chỉ tiêu ĐH chính quy lĩnh vực lĩnh vực sức khỏe và lĩnh vực nhân văn vượt năng lực, vi phạm quy định; Chỉ tiêu ĐH VLVH lĩnh vực Kinh doanh và quản lý, lĩnh vực Pháp luật, lĩnh vực Sức khỏe, Chỉ tiêu ĐH liên thông VLVH lĩnh vực Pháp luật vượt năng lực, vi phạm quy.
Trong năm 2021, Trường xác định chỉ tiêu Ths ngành Luật Kinh tế vượt năng lực và năm 2022, Trường xác định chỉ tiêu Ths ngành Quản lý kinh tế và ngành Luật kinh tế đều vượt năng lực, vi phạm quy định. Đến thời điểm thanh tra, các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách, lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách công tác tuyến sinh của Trường.
Cũng trong năm 2020, Đề án tuyển sinh chưa cung cấp thông tin về tuyển sinh trình độ ĐH VLVH và liên thông VLVH vi phạm quy định; Thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh đối với các phương thức tuyển sinh va Quy định đối tượng tuyển thẳng chưa đúng quy định. Năm 2021, Đề án tuyển sinh chưa cung cấp thông tin cụ thể về các điều kiện tuyển theo quy định; Thông tin chỉ tiêu chung cho cả 4 phương thức xét tuyển VLVH, liên thông chính quy và liên thông VLVH là chưa bảo đảm quy định.
Năm 2022, Đề án tuyển sinh trình độ DPI chưa thông tin về mức chi phí đào tạo đối với hình thức đào tạo tạo VLVH cho đối tượng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên theo quy định. Hành vi xây dựng và công bố Đề án tuyển sinh năm 2020, năm 2021 và năm 2022 không đúng hoặc không đầy đủ thông tin của Trường vi phạm quy định. Đến thời điểm thanh tra, các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách, lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách công tác tuyển sinh của Trường.
Trụ sở trường ĐH Trưng Vương đặt tại cơ sở chính tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trường ĐH Trưng Vương
Thông báo tuyển sinh ĐH chính quy năm 2020, năm 2021 thông tin về phương thức tuyển sinh chưa đúng theo Đề án tuyển sinh đã công bố. Thông báo tuyển sinh năm 2021, năm 2022 chưa thông tin về mức học phí theo quy định. Thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh trong thông báo tuyển sinh năm 2022 chưa phân bổ cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định. Thông báo tuyển sinh ĐH liên thông năm 2021, năm 2022 chưa cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định; Chưa thông tin về mức học phí theo quy định.
Trường ban hành thông báo tuyển sinh trình độ Ths năm 2022 chưa đúng quy định. Hành vi thông báo tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin năm 2020, năm 2021 và năm 2022 của Trường vi phạm quy định. Đến thời điểm thanh tra, các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách, lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách công tác tuyển sinh của Trường.
Năm 2020, Trường tuyển ĐH VLVH khối ngành III 747 sinh viên/100 chỉ tiêu thông báo, vượt 647 chỉ tiêu, tương đương 647%; Khối ngành VI Trường tuyển 34 sinh viên/30 chỉ tiêu thông báo, tuyển vượt 4 chỉ tiêu, tương đương 13,3%.
Năm 2021, Trường tuyển ĐH liên thông VLVH là 108 sinh viên/54 chỉ tiêu theo năng lực tuyển sinh, tuyển vượt 54 chỉ tiêu, tương đương 100%. Năm 2022, lĩnh vực Sức khỏe VLVH, Trường tuyển 536 sinh viên/ 64 chỉ tiêu vượt 472 chỉ tiêu, tương đương 737,5%.
Năm 2021, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định về xác định chỉ tiêu đối với ngành Luật kinh tế trình độ Ths. Các hành vi tuyển sinh trình độ ĐH VLVH năm 2020, năm 2021 và năm 2022 vượt chỉ tiêu theo quy định về xác định chỉ tiêu của Trường vi phạm quy định. Đến thời điểm thanh tra, các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách, lãnh đạo đơn vị đuợc phân công phụ trách công tác tuyến sinh của Trường.
Tại thời điểm thanh tra, đội ngũ giảng viên của ngành Thương mại điện tử đào tạo trình độ ĐH chưa bảo đảm theo quy định. Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách và các khoa của Trường.
Trường nộp 130 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Trường phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm (nếu có) của cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo nêu trên. Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ GD&ĐT; Giao Phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GD&ĐT lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của Trường, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật (kể cả các hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt).
Ngay 15/3, chia sẻ với PV báo Pháp luật Việt Nam, phía lãnh đạo trường ĐH Trưng Vương cho biết, nhà trường thực hiện nghiêm kết luận Thanh tra Bộ GD&ĐT. Trường đã và đang làm tốt công tác giáo dục và đào tạo cho sinh viên.
Đặc biệt, Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhà trường đã họp, kiểm điểm đối với Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm đối với trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hạn chế, thiếu sót như phòng Đào tạo, phòng Thanh tra - Pháp chế, các khoa và đơn vị, cá nhân. Trường đã nộp 130 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 17 ngày 2/2/2024 của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Về công tác quản lý đào tạo trình độ Đại học theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Trưng Vương đã bổ sung đội ngũ giảng viên các ngành nói chung và ngành Điều dưỡng nói riêng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Theo đó, giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng để đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về quy chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và đào tạo. Giảng viên thỉnh giảng tính theo năm học chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; Giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần chương trình đào tạo.
Với đề án tuyển sinh năm 2024, theo vị đại diện này thì trường đã giao Phòng Đào tạo tham mưu xác định chỉ tiêu, xây dựng đề án tuyển sinh đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục ĐH, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2023 – 2024, Bộ tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản liên quan đến công tác thanh/kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng.
Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” (Nghị định 04) và ban hành hướng dẫn công tác thanh/kiểm tra nội bộ, thanh tra tuyển sinh năm 2024 đối với cơ sở giáo dục đại học; đồng thời ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2024 và kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với cơ sở giáo dục ĐH; Tư vấn, thúc đẩy cơ sở giáo dục ĐH hoàn thiện. Trong đó tập trung công tác thanh tra công vụ, tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo, mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở giáo dục ĐH, kiểm định chất lượng giáo dục…
|
Hoa Tiên - Pháp luật Plus