Vải sớm vào mùa, xe Container ùn tắc nhiều ngả đường ở Tân Yên

27/05/2022 10:51

Kinhte&Xahoi Tại vùng vải thiều huyện Tân Yên (Bắc Giang), những ngày này, loạt những loạt xe container từ các tỉnh đang ùn ùn đến địa phương tập kết, sẵn sàng vận chuyển vải thiều sớm phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

 

Với thời tiết thuận lợi, rét kéo dài và mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng vải thiều Bắc Giang dự báo sẽ cao hơn năm trước và cao nhất từ trước đến nay.

Sản lượng vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt 180.000 tấn; trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.750ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 21.250ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn.

Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20/5; vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 25/7

"Năm 2022, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn", Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế ngày 25/5.

Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố và các bạn quốc tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các thương nhân trong nước và các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Singapore... , Bắc Giang đã tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các fanpage trên Facebook, Zalo…

Vải thiều Bắc Giang cũng đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: MM Mega Market, GO!,  Co.opmart...; các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Đồng thời, Bắc Giang mở rộng, phát triển các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và trong cả nước.

Ông Jose Mestre - đại diện lãnh đạo Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cam kết đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2022 trên tất cả các kênh phân phối, bán lẻ của Tập đoàn. Ảnh: BGP

Ông Jose Mestre - đại diện lãnh đạo Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: "Ngày 20/5 vừa qua, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2022. Trên cở sở đó, chúng tôi cam kết đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2022 trên tất cả các kênh phân phối, bán lẻ của tập đoàn.

Theo đó, Central Retail sẽ dành những vị trí đẹp nhất trong hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trưng bày trái vải, đồng thời áp dụng hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm đặc biệt hấp dẫn. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, bộ phận bán hàng tại các các siêu thị của Central Retail sẽ tiến hành live stream bán vải nhằm tiếp cận nhiều tệp khách hàng hơn. Chú trọng vào việc trưng bày tại các cửa hàng và bảo đảm chất lượng vải khi bày bán tại siêu thị".

 

Tại vùng vải thiều huyện Tân Yên (Bắc Giang), những ngày cuối tháng 5/2022, loạt những loạt xe container từ các tỉnh đang ùn ùn về tập kết, sẵn sàng vận chuyển vải thiều sớm phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý là tại các tuyến đường Cao Thượng – Phúc Hòa, lượng xe Container tập trung đông đảo chất hàng chuẩn bị cho chuyến đường dài xuất khẩu sang các nước bạn.

Một vườn vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Năm 2022, tổng diện tích sản xuất vải thiều của huyện Tân Yên là 1.340 ha, sản lượng đạt khoảng 16.500 tấn; trong đó, vải sớm là 1.170 ha, sản lượng đạt 14.500 tấn, vải muộn là 2.000 tấn.

Diện tích vải sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên 880 ha; trong đó, diện tích vải đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 350 ha. Dự kiến thời gian bắt đầu thu hoạch trái vải sớm từ ngày 25/5, thời gian thu hoạch tập trung từ 01/6 đến ngày 10/6.

Một số thông tin về mùa vụ vải thiều 2022 của huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Các giống vải chín sớm được trồng ở Tân Yên như U hồng, U trứng, vải lai Thanh Hà... Các giống vải này có đặc điểm là chín sớm hơn vải thiều chính vụ từ 20 - 30 ngày. Vải có quả to, vỏ dày, dễ bảo quản nên được các thương lái ưa chuộng. Giá bán cũng cao hơn vải chính vụ từ 5 - 10 nghìn đồng/kg.

Theo khảo sát nhanh, giá vải các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân cao hơn so với năm 2021. Một HTX nông nghiệp cho biết, giá vải được đơn vị này cam kết thu mua lên đến 35.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên (bên trái) trao đổi với nhà báo Vũ Quang về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang từng khẳng định: “Những chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một thị trường lớn, tiềm năng, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều".

Theo ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, năm 2021, vải thiều sớm Tân Yên đã có mặt tại thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước EU.

Thời gian qua UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng đối với các thị trường xuất khẩu như: Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc...; chuẩn hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

 
Bà con hứng khởi vì vụ vải sớm được mùa, được giá ở Tân Yên.

Năm nay, công tác xúc tiến thương mại được UBND huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các đơn vị liên quan nắm tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ vải trong và ngoài nước trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

Trước đó, đã có một số doanh nghiệp tới địa bàn tiêu thụ vải xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Đơn cử như Công ty Việt Pháp ký hợp đồng tiêu thụ 40 tấn, Công ty Fusa ký hợp đồng xuất khẩu 10 tấn sang thị trường châu Âu. Các công ty như: Toàn Cầu, Amei… có kế hoạch thu mua, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Nga và một số siêu thị trong nước.

Trong khi đó, đối với thị trường Trung Quốc, huyện tập trung hướng dẫn các hộ sản xuất tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng đã được cấp tại xã Phúc Hòa với diện tích 600 ha. Cùng đó, rà soát, hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất khẩu đối với 3 mã số vùng trồng vải xuất khẩu với tổng diện tích 200 ha tại các xã Liên Sơn (80 ha), Hợp Đức (70 ha), thị trấn Cao Thượng (50 ha).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, đầu tháng 5/2022, Bắc Giang đã tổ chức làm việc trực tuyến với Đại sứ quán Trung Quốc về việc đề nghị hỗ trợ xuất khẩu vải thiều sang thị trường 1,5 tỷ dân này.

Ông Đinh Đức Cảnh - Bí thư Huyện ủy Tân Yên (bên trái) hướng dẫn nhà báo Vũ Quang đi thăm vùng vải thiều trên địa bàn huyện.

Trung Quốc sẽ hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều, tạo điều kiện mỗi ngày có 300 - 500 xe qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Ngoài ra, mở thêm hai cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (Lạng Sơn), đồng thời kéo dài thời gian làm việc hàng ngày tại cửa khẩu đến 21h00.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký các biên bản ghi nhớ với đối tác tại Hoa Kỳ về hợp tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng khác của tỉnh Bắc Giang tại thị trường Hoa Kỳ giai đoạn 2022 - 2025. Qua lần này, thương hiệu vải thiều Bắc Giang nói chung và vải thiều sớm Tân Yên nói riêng sẽ có mặt sâu rộng hơn trong thị trường của Hoa Kỳ.

“Để giữ vững thương hiệu “Vùng vải sạch, an toàn dịch bệnh, không bị tác động Covid-19", huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn. Ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm.

Tất cả chính quyền và nhân dân đang tập trung tăng cường kết nối tiêu thụ vải thiều sớm để vải thiều rộng đường vào các thị trường mang lại giá trị cao, nhất là khi đã bước vào vụ vải thiều sớm”, ông Đinh Đức Cảnh – Bí thư Huyện ủy Tân Yên cho hay.

Vũ Quang - Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Tăng cường lãnh đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''

Ngày 24/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Văn bản số 1557/UBND - KTN chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vai-som-vao-mua-xe-container-un-tac-nhieu-nga-duong-o-tan-yen-d182671.html