Vận chuyển hàng hóa phải được thông suốt

24/07/2021 07:00

Kinhte&Xahoi Đó là yêu cầu của đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố chiều ngày 23/7.

Theo báo cáo của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, trong hai ngày 22-23/7, đánh giá chung tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP HCM cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch tại Hà Nội và Hải Phòng cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông. Không phát sinh điểm ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Vận tải hàng hóa theo luồng xanh đường thủy đến nay không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Đến ngày 23/7, đã có 23 trạm thu phí BOT thực hiện việc dừng thu phí.

Hình ảnh buổi họp giao ban chiều ngày 23/7.

Đại diện Sở GTVT TP HCM cũng cho biết thêm tình hình giao thông trên địa bàn thành phố và cửa ngõ ổn định, lưu lượng giảm 70% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16, sản lượng hàng hóa qua các Cảng thủy nội địa, Cảng Hàng hóa giảm khoảng 1-2%. Vận tải hàng hóa thông thoáng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Đến nay, TP HCM chỉ còn cấp QR Code cho các phương tiện lưu thông đi qua và đi đến thành phố. Việc cấp QR Code hoàn toàn qua phần mềm và qua kiểm tra thì khẳng định không có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tại Hà Nội, tình hình đường bộ ổn định, tuy nhiên khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của UBND thành phố thì tại CHK Nội Bài có hiện tượng lúng túng khi phân loại khách để tổ chức cách ly y tế bắt buộc do nhiều khách đi về địa phương khác…; TP Hà Nội cũng đề nghị các địa phương sẵn sàng đón công dân từ vùng dịch về, phải thống nhất với địa phương trong khu vực đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 về các điều kiện liên quan, đối tượng, phương án di chuyển, có thể thông qua các Hãng hàng không, Cảng hàng không nơi đi để nắm bắt thông tin chuyến bay, số lượng khách có nhu cầu về địa phương từ vùng dịch, trên cơ sở đó tỉnh chỉ đạo đơn vị CDC kết nối, rà soát, thống kê danh sách người về địa phương qua CHK Nội Bài để chủ động bố trí phương tiện, phương án đón và cách ly theo quy định của địa phương mình…

Theo báo cáo của các Sở GTVT, luỹ kế tính đến 12h ngày 23/7 đã cấp QR CODE lưu thông luồng xanh cho 42.817 xe. Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN, tính đến 13h ngày 23/7 đã cấp được 2.987 xe. Luỹ kế đến nay đã cấp được 10.150 xe.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương khi xe ngoại tỉnh qua chốt có mã QRCode vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm còn hiệu lực đối với lái xe và người phục vụ theo xe khi vào địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long và Long An mặc dù đã có hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tất cả lái xe là công dân Gia Lai từ vùng dịch về tỉnh Gia Lai đều phải thực hiện viện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế; trường hợp không muốn cách ly, thì các đơn vị vận tải phải thực hiện việc đổi lái xe tại chốt hoặc chuyển hàng sang xe tải khác để tiếp tục hành trình vận chuyển, đại diện của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn

2 ngày qua, Bộ GTVT và trực tiếp TCĐBVN, các Cục chuyên ngành đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT khẩn trương nghiên cứu lập phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông tại địa phương mình và quá cảnh qua các tỉnh, thành phố trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 có áp dụng Chỉ thị 16; hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác quản lý phương tiện, người lái xe, tổ chức vận tải và việc áp dụng “Luồng xanh” vận tải, các quy định của Bộ Y tế; tuyên truyền, hướng dẫn cho các đơn vị vận tải truy cập, sử dụng phần mềm để đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode. Yêu cầu Sở GTVT các tỉnh bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận đăng ký và cấp mã QR Code. Thực hiện kiểm tra, giải quyết ngay việc cấp mã cho toàn bộ các phương tiện đã cung cấp đủ thông tin hợp lệ trên phần mềm, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và công khai, minh bạch trong các quy trình, kết quả giải quyết; giao Thanh tra Sở GTVT phải giám sát thường xuyên.

Sáng 23/7, Bộ GTVT và UBATGTQG cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cảng Tân Vũ, cảng Hoàng Diệu. Kết quả kiểm tra cho thấy: công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện khá chặt chẽ, thủ tục kiểm tra nhanh gọn nên các chốt ra vào cảng không bị ùn tắc. Các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định; các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 mới được lưu thông. Đã bố trí điểm tập kết cho lái xe đồng thời có lực lượng y tế kiểm tra Test nhanh cho các lái xe và nhân viên tại Cảng.

Đồng thời, Tổ công tác đặc biệt và 4 tổ kiểm tra của Bộ cũng vẫn tích cực kiểm tra Tình hình thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp vận tải; các đầu mối xuất, nhập khẩn hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa tại khu vực phía Nam. Đối với các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ, kiểm tra xác suất 19 trường hợp có mã nhận dạng QR Code, các tài xế và người đi cùng trên xe đều có xét nghiệm âm tính theo quy định.

Công tác phòng chống dich tại các khu vực bến Cảng được thực hiện khá chặt chẽ,  các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định, khi có kết quả âm tính mới được đi làm; các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2  mới được lưu thông; các thủy thủ trên tàu khi cập bến không vào cảng, chỉ có 01 người vào làm thủ tục thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2; ở cảng bố trí luồng riêng và kiểm soát dịch từ lái xe; có lực lượng y tế kiểm tra Test nhanh cho các lái xe nhận hàng và nhân viên tại Cảng; một số cảng khi xe vào cảng được xịt xử khuẩn.

Bố trí  nhân lực, vật tư thiết bị y tế  hỗ trợ xét nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, TP HCM

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, nhằm hỗ trợ thêm cho các địa phương tiếp giáp vùng giãn cách theo Chỉ thị 16 và TP HCM, hiện nay Cục Y tế của Bộ đã bố trí nhân lực hỗ trợ test nhanh cho lái xe tại Bình Thuận (tại trạm km1770 +200, QL1) và tổ di động bằng xe lưu động để test nhanh cho lực lượng lái xe và người đi cùng ở TP HCM. Hiện nay đã có 1500 bộ kít để Test nhanh cho bệnh viện giao thông vận tải TP HCM, đã có 3 đơn vị vận tải đăng ký 152 tài xế để ngày mai Test.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT ra “chỉ lệnh”, hiện nay Bộ Công thương đã cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, Bộ NN&PTNT cũng đã có cam kết về việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, rau quả…nên tuyệt đối ngành Giao thông vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông. Yêu cầu các tỉnh bám sát các hướng dẫn mới của Bộ Y tế để áp dụng thống nhất trong công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa đã có QR code, giấy xét nghiệm của lái xe khi lưu thông qua các chốt theo nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, tiền kiểm, hậu kiểm. Quán triệt việc đưa lái xe là đối tượng đặc biệt không phải cách ly y tế tập trung khi về từ vùng dịch. Các địa phương khác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình tổ chức lập chốt kiểm soát tốt, hiệu quả như Bình Thuận, Đà Nẵng và Hải Phòng... (một chốt bố trí nhiều điểm kiểm tra đối với những đối tượng khác nhau; tổ chức kiểm tra tại Cảng, Depot, Khu tập kết hàng hóa).

Đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ đạo và yêu cầu các địa phương phải sử dụng phần mềm của Tổng Cục ĐBVN để quản lý, cấp giấy thông hành luồng xanh (qua mã QR Code) cho các doanh nghiệp và phương tiện có nhu cầu; tổ chức thực hiện liên tục, nhanh chóng và thuận tiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực. Để tránh bị động và phát sinh ùn tắc kéo dài nghiêm trọng, Bộ trưởng cũng yêu các địa phương khác trên cả nước (ngoài 19 tỉnh), khi áp dụng các quy định phòng chống dịch có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, cần phải có dự lệnh, thông báo, tuyên truyền rộng rãi trước để các đối tượng liên quan biết và chủ động thực hiện.

Ngày 23/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục ký Quyết định số 1377/QĐ-BGTVT về việc thành lập 4 Tổ kiểm tra về hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 (4 tổ này sẽ thay thế 4 tổ đã được thành lập trước đây) để cụ thể, quy định thêm nhiệm vụ và trách nhiệm, cụ thể:

(1) Tổ kiểm tra số 1, 2 thực hiện nhiệm vụ: Khảo sát các hoạt động vận tải đường bộ thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid tại các đơn vị vận tải hàng hóa, các đầu mối bốc, xếp hàng hóa (trừ cảng, bến thủy nội địa); kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường bộ, việc cấp Giấy nhận diện có mã QR code của các Sở Giao thông vận tải.

(2) Tổ kiểm tra số 3 kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid tại các cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường thủy phục vụ vận tải hàng hóa trên đường thủy.

(3) Tổ kiểm tra số 4 kiểm tra việc thực hiện các quy định và triển khai công tác phòng, chống dịch Covid tại các cảng biển.

(4) Các Tổ kiểm tra có trách nhiệm triển khai các nội dung nêu trên, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải theo quy định. Các Tổ kiểm tra chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT 

Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa đặc sản nhãn lồng và câu chuyện văn hóa lên sóng livestream

Trong mỗi sản vật địa phương không chỉ chứa đựng sự tâm huyết và tự hào của người dân, mà còn mang sứ mệnh kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam. Đằng sau hình ảnh nhãn lồng chính là câu chuyện về văn hóa và con người Hưng Yên.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/van-chuyen-hang-hoa-phai-duoc-thong-suot-d161467.html