“Văn hóa khẩu trang”

04/12/2020 11:07

Kinhte&Xahoi Như vậy, từ sự khinh suất, thiếu ý thức của một một vài người đã khiến dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Thiệt hại về các mặt kinh tế - xã hội, tinh thần khó có thể đếm đo được.

Đeo khẩu trang là cách phòng ngừa Covid-19 đơn giản, hiệu quả. Ảnh minh họa.

Trước làn sóng Covid-19 thứ nhất, rồi làn sóng thứ hai, sức chịu đựng của rất nhiều doanh nghiệp, người dân đã ở mức giới hạn. Rất nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực để duy trì nếu dịch bệnh lại bùng phát lần nữa.

Phải nói rằng, trong khi cả thế giới còn đang vật lộn với virus Corona, thì ở Việt Nam, người ta đang mất đi thói quen tự bảo vệ trước đại dịch, tiếp tục lối sống “bừa bãi” trước một “kẻ thù” giấu mặt là nCoV.

Mỗi ngày trên thế giới có gần nửa triệu người bị nhiễm mới, tổng số người nhiễm bằng với dân số của một quốc gia thuộc nhóm đông dân. Nhưng ở Việt Nam, người dân không còn tích cực mang khẩu trang, cũng chẳng có mấy ai chủ động rửa tay. Đặc biệt là việc giữ khoảng cách trong giao tiếp gần như không còn ở rất nhiều nơi công cộng.

Bài học từ BN 1342 (tiếp viên hàng không), BN 1347 (giáo viên tiếng Anh) cho thấy, kỷ luật cách ly đã bị buông lỏng. Ở đây có vấn đề cần nhận thức rõ. Các nước không chọn biện pháp cách ly nhiều người đã có miễn dịch với virus Corona, việc lây lan từ một cá thể nào đó sẽ khó hơn. Nếu thực sự là chúng ta không có ai bị nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì đồng nghĩa với việc chẳng mấy người có được miễn dịch với virus. Nếu bây giờ để một người bị nhiễm Covid-19 “tung tăng” trong cộng đồng thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn là việc rất nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân 1347 mà cái phương tiện bảo hộ đơn giản nhất là khẩu trang cũng không có.

Trong bối cảnh ấy, ai sẽ gióng lên một hồi chuông báo động để quá trình phòng dịch đã giúp chúng ta yên ổn thời gian qua được khởi động lại. Gần đây các địa phương thi nhau “bung lụa”. Còn nhớ mới hôm kia, địa phương nọ đón hoa hậu về làng, chen chân nhau, nói gì đến giữ khoảng cách. Hình ảnh mang khẩu trang đã trở nên rất hiếm hoi.

Mới đây, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn. “Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ.

Bây giờ là lúc cần cảnh báo đủ mức, kể cả xử phạt vì đã có văn bản pháp lý, để mọi người mang khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách. Việt Nam đã từng là một ốc đảo giữa sa mạc trong 89 ngày qua. Nếu muốn giữ cho “mành lưới” của chúng ta “sạch”, thì việc phòng ngừa là cực kỳ quan trọng.

Bài học thành công của việc dập dịch 2 lần bùng phát trước đây cho thấy, người dân phải sát cánh cùng Chính phủ. Họ phải biết bảo vệ bản thân và có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xây dựng cho được “văn hóa khẩu trang”.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mua ô tô đi Tết: Có nên "tậu" xe ngay từ bây giờ?

Những năm trước đây, nếu mua xe vào thời điểm quá cận Tết có thể bị "thổi" giá đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu. Nhiều người cho rằng, nếu có ý định mua xe thì nên "tậu" ngay từ thời điểm này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/van-hoa-khau-trang-d142461.html