Vì sao không cố định ngày nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm?

28/11/2020 07:46

Kinhte&Xahoi Nhiều ý kiến lo ngại hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, xây dựng một phương án nghỉ Tết trình Chính phủ mà không có công thức cố định là tốn kém, lãng phí.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH.

Hàng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, lên các phương án nghỉ Tết Nguyên đán để trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét và quyết định phương án nghỉ Tết cuối cùng.

Nhiều ý kiến lo ngại việc năm nào cũng xây dựng phương án nghỉ Tết để trình Chính phủ xem xét quyết định làm mất thời gian, tốn kém tiền của và công sức. Một số người cho rằng nên xây dựng một công thức tính lịch nghỉ Tết cố định để người dân và doanh nghiệp chủ động việc nghỉ, tránh lãng phí.

Trả lời VTC News, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ Luật Lao động quy định Thủ tướng xem xét quyết định cụ thể về lịch nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ Quốc khánh 2/9.

Theo ông Thắng, mỗi năm thời điểm nghỉ Tết sẽ khác nhau nên phải điều chỉnh theo từng năm, không thể cố định.

Được biết, việc lên phương án nghỉ Tết hàng năm sẽ dựa trên nguyên tắc của Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật lao động thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên sẽ thường trùng với ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Nếu nghỉ Tết trùng với nghỉ thứ 7, Chủ nhật, người lao động sẽ được nghỉ bù. Tuy nhiên, nếu kết thúc ngày nghỉ Tết mà 1 ngày sau đến ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật sẽ gây ra nhiều bất cập, vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải lên phương án cho mỗi năm khác nhau.

Cũng theo Nghị định 45, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Năm nay, theo quyết định của Thủ tướng, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết 7 ngày. Thời gian nghỉ từ 10/2/2021 đến 16/2/2021 Dương lịch (tức 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Bộ LĐ-TB&XH trước đó đề xuất phương án này và cho rằng, việc nghỉ vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết bao gồm 3 ngày Tết và 2 ngày nghỉ bù.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên cần bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Thủ tướng cũng ủy quyền Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thông báo việc thực hiện lịch nghỉ lễ, Tết.

Minh Tuệ - Trương Huyền - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Black Firday 2020 hắt hiu

Dù Black Friday - ngày hội mua sắm lớn nhất năm đã cận kề, các chương trình ăn theo Black Friday đã rộn ràng từ đầu tuần nhưng có lẽ, chưa năm nào Black Friday lại buồn hiu hắt như năm nay…

Link bài gốc https://vtc.vn/vi-sao-khong-co-dinh-ngay-nghi-tet-nguyen-dan-hang-nam-ar582626.html