Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

15/04/2020 16:58

Kinhte&Xahoi Thực hiện theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, Tuổi trẻ Thủ đô cùng với tuổi trẻ cả nước không chỉ tự khai báo, cập nhật thông tin y tế qua ứng dụng NCOVI phòng, chống dịch Covid-19 mà còn đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để hỗ trợ khai báo, nhất là với các gia đình có người cao tuổi, yếu thế… Việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mỗi đoàn viên thanh niên tham gia trở thành một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống dịch Covid-19…

Đoàn viên, thanh niên xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) đến tận nhà, hỗ trợ người dân khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI.

Tận tình giúp dân

Ngay khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, Đoàn xã Đông Lỗ đã thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ người dân khai báo y tế. Tất cả 6 thôn trong xã đều có các tổ thực hiện. Mỗi tổ đến từng nhà dân để tuyên truyền về dịch Covid-19, khai báo giúp hoặc hướng dẫn người dân tải ứng dụng NCOVI về điện thoại thông minh để tự khai báo y tế. Mỗi ngày, các tổ giúp được khoảng 30 người dân khai báo y tế. Ở một số chi đoàn của xã, cán bộ đoàn còn kiêm nhiệm, ban ngày đi làm công nhân, tối về tranh thủ sang hàng xóm giúp người dân khai báo y tế.

Bí thư Chi đoàn xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Thị Thúy kể: “Đang mùa dịch, người dân thấy mình đến nhà cũng e ngại. Ban đầu cũng có nhiều người từ chối việc khai báo y tế. Sau khi được hướng dẫn, giải thích việc khai báo y tế cần thiết như thế nào đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội thì nhiều người lại vui vẻ, sẵn sàng làm theo chỉ dẫn...”. 

Tại xã dân tộc miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì), nơi xa trung tâm nhất của Thủ đô, theo chân Bí thư Chi đoàn thôn Hương Canh Cấn Văn Lương đến nhà các hộ dân, mới thấy sự vất vả khi muốn hỗ trợ người dân khai báo y tế. “Thôn có 150 hộ dân, nằm rải rác, nhà này cách nhà kia khá xa. Nơi đây đa phần là người 2 dân tộc Mường và Dao. Cuộc sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, người dân hầu như không có điện thoại thông minh nên thanh niên tình nguyện phải khai báo y tế giúp. Không chỉ tuyên truyền "chay" mà phải dùng hình ảnh để minh họa, có như vậy người dân mới hiểu, vui lòng thực hiện ngay. Đoàn thanh niên thôn cũng đã kết hợp tuyên truyền để người dân vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 nói riêng”, anh Cấn Văn Lương cho biết.

Với mong muốn kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn, Đoàn Thanh niên phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Riêng việc hỗ trợ khai báo y tế, đoàn viên thanh niên tập trung thực hiện tại tổ dân phố 3, địa bàn dân cư số 2 và xung quanh khu vực chợ Long Biên, nơi hiện có hơn 1.000 lao động nhập cư sinh sống.

Bí thư Đoàn phường Phúc Xá Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ: "Số lượng lao động nhập cư ít hơn bình thường do một số người đã về quê. Việc giúp dân khai báo y tế cũng có lúc không thuận lợi vì nhiều người dân đi làm, không ở nhà. Để khắc phục việc này, chúng tôi đã liên hệ với các tổ trưởng dân phố giúp thông tin đến họ trước. Trong quá trình thực hiện, đối với người trẻ hay những người biết sử dụng điện thoại thông minh, chúng tôi hướng dẫn cài phần mềm NCOVI. Với người không có điện thoại thông minh, đoàn viên thanh niên hỗ trợ khai báo trực tiếp".

Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa dùng điện thoại thông minh hoặc kỹ năng sử dụng điện thoại, chất lượng mạng wifi, 4G còn hạn chế, nên công tác khai báo y tế điện tử cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng NCOVI để khai báo thông tin y tế là việc làm rất thiết thực, giúp có thể nhanh chóng phân loại, phát hiện các ca nghi nhiễm Covid-19, đồng thời giúp người dân chủ động phòng tránh dịch bệnh hiệu quả.

Thêm sự tin tưởng

Nhiều người dân đánh giá cao sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên thanh niên. Sau khi được hướng dẫn tải ứng dụng NCOVI để khai báo y tế, anh Đỗ Mạnh Hùng (thôn Nhân Trai, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) đã thực hiện việc khai báo cho bản thân và những người thân trong gia đình. Không những vậy, anh Hùng còn hỗ trợ nhiều người cùng khai báo y tế. Anh Hùng hồ hởi chia sẻ: “Trước chưa biết nên tôi cứ nghĩ là phải khai báo phức tạp lắm. Giờ thấy tải về và cập nhật chi tiết tình hình dịch trên điện thoại cũng dễ dàng, chỉ vài thao tác đơn giản là xong. Tôi thấy rất có ích, nên khi thực hiện khai báo y tế cho bản thân và gia đình xong, tôi đã chụp màn hình gửi cho anh chị em công nhân nơi tôi đang làm việc để họ cùng khai báo”.

Còn anh Nguyễn Trung Kiên (người dân tộc Mường ở thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì), bày tỏ: “Chúng tôi ở vùng xa, phần đông các gia đình đều làm ruộng, đời sống còn nghèo lắm, chẳng có điện thoại thông minh để dùng. Tôi về đến nhà có lúc còn không có sóng điện thoại, nói gì đến internet. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về dịch qua ti vi, cũng có nghe nói đến việc cần phải khai báo y tế tự nguyện, nhưng không biết làm thế nào. May mà có các đoàn viên, thanh niên đến tận nhà khai báo giúp nên gia đình tôi yên tâm hơn rất nhiều”.

Tuy công việc hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vất vả, nhưng được nhận lại sự trân quý của bà con, Bí thư Chi đoàn thôn Hương Canh Cấn Văn Lương chia sẻ: “Lúc đầu cũng có chút ít khó khăn. Nhưng rồi, được người dân ủng hộ, tin tưởng, chúng tôi được mọi người sẵn sàng tiếp đón, công việc đã cơ bản hoàn thành. Hiện, Đoàn Thanh niên thôn đã tiếp cận, giúp 149 hộ dân khai báo y tế, chỉ còn 1 hộ đi làm xa”.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc đẩy mạnh khai báo y tế trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và giúp người dân thực hiện công việc này, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở Đoàn trên toàn thành phố huy động thanh niên tự khai báo và khai báo giúp dân. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, mỗi thanh niên thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ khai báo y tế, vừa tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phòng ngừa dịch. Việc hỗ trợ khai báo y tế sẽ tiếp tục được các đoàn viên thanh niên thực hiện đến khi người dân hết nhu cầu. Đồng thời, Thành đoàn cũng đẩy mạnh huy động các nguồn lực tặng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn cho người dân…

Theo thống kê, đến 17h ngày 12-4, toàn thành phố có 557.724 người tải và sử dụng ứng dụng NCOVI để khai báo y tế, trong đó có 268.326 đoàn viên đã khai báo y tế. Tỷ lệ người khai báo y tế tự nguyện trên ứng dụng NCOVI tăng lên mỗi ngày. Điều này có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên Thủ đô.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người trẻ thay đổi thói quen mua sắm mùa dịch

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân, nhất là việc mua sắm, đi chợ. Từ khi thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng dịch, nhiều người trẻ chuyển sang cách đặt hàng online.

Bảo đảm hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh

Thời gian qua, cùng với việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm trong mọi tình huống.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phong-su-Ky-su/964517/viec-lam-nho-y-nghia-lon