Việt Nam sẽ sớm công bố hết dịch COVID-19

16/05/2020 10:29

Kinhte&Xahoi Cả nước đã có 313 ca mắc COVID-19. Đáng chú ý, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đến nay không còn ca bệnh nào trong cộng đồng.

Ngày 15-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết không để dịch quay lại

Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

Đến nay, cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, Việt Nam (VN) đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời đã tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất nhập khẩu, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao việc các địa phương đã không để xảy ra ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đồng thời, ông kêu gọi các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư. Ông yêu cầu các cơ quan phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay lại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo người VN đang ở nước ngoài chưa về nước, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chỉ xem xét cho về nước đối với các trường hợp đặc biệt như học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân nhân, công tác hết hạn; công bố tiêu chí được về nước và chủ trì, tổ chức tốt việc đưa công dân VN về nước theo lộ trình phù hợp, công khai, minh bạch.

Một vấn đề quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh đó là sớm đề xuất việc công bố hết dịch. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện cách ly y tế đối với các chuyên gia, công nhân tay nghề cao, nhà quản lý được nhập cảnh.

Thủ tướng cũng đồng ý tiếp tục giãn các cuộc họp của ban chỉ đạo. Thường trực Chính phủ sẽ định kỳ họp với ban chỉ đạo gần 1-2 tuần/lần để quyết định các vấn đề lớn phát sinh.

Việt Nam sẽ sớm công bố hết dịch COVID-19 - ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 ra viện tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương. (Ảnh do BV cung cấp)

Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt

Theo Thủ tướng, trong thời gian vừa qua (gần 30 ngày), chúng ta tiếp tục thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế.

Trong những ngày qua, chúng ta đã có giải pháp mạnh mẽ đối với các loại hình doanh nghiệp, các địa phương, các cấp, các ngành về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm các hoạt động bình thường trên tinh thần Chỉ thị 19. Ở VN, hoạt động bình thường về kinh tế - xã hội và các mặt khác đã diễn ra tốt đẹp.

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta tiếp tục quản lý tốt bên trong và khóa chặt từ bên ngoài. Ngành y tế đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh và ra viện. Một số trường hợp rất nặng đã được ngành y tế huy động lực lượng, thuốc men chữa trị với tất cả tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thủ tướng nêu rõ: “Như vậy, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong gần một tháng qua. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, các ngành trong vấn đề phòng, chống, điều trị COVID-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin một số vấn đề về tình hình sức khỏe của bệnh nhân (BN) COVID-19 số 91 (BN91).

Theo ông Long, đến sáng 15-5, BN91 vẫn trong tình trạng nguy kịch, qua chụp CT phổi đã đánh giá được mức độ tổn thương phổi khá lớn và có chỉ định ghép phổi.

“Tình trạng tổn thương phổi của BN còn khá nặng, hiện chức năng phổi chỉ còn khoảng 10%. Nếu không ghép phổi thì khả năng BN tử vong cao. Hiện BN còn có vấn đề khác là biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Do đó, các y, bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, trên thế giới hiện có ba trường hợp mắc COVID-19 nặng được ghép phổi thành công.

“Trước đó, VN cũng đã ghép phổi thành công một số trường hợp. Chúng ta có đủ năng lực và trình độ để ghép phổi cho BN này. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số một là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não. Bộ Y tế ghi nhận tấm lòng của các cá nhân xin hiến phổi để ghép cho BN91” - ông Long nhắn gửi.

Thêm một ca dương tính COVID-19 sau 12 ngày nhập cảnh

Thông tin từ Bộ Y tế vào chiều 15-5 cho biết cả nước vừa ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 313 ca.

Đây là hành khách về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN008 từ Dubai, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ ngày 3-5.

Hành khách này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Sẽ xử nghiêm các cấp chính quyền nếu ép dân từ chối nhận hỗ trợ

Chính phủ đã đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.
  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Toyota triệu hồi lượng xe kỷ lục tại Việt Nam

Sẽ có gần 30.000 xe Toyota như Camry, Innova, Corolla đang được Toyota Việt Nam triệu hồi để khắc phục lỗi bơm xăng. Ngoài ra, nhiều dòng xe Lexus cũng được triệu hồi để khắc phục lỗi tương tự.

Theo Pháp luật TP. HCM/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/viet-nam-se-som-cong-bo-het-dich-covid-19-d124611.html