Việt Nam tổng lực chống "giặc" Covid-19

21/02/2020 11:50

Kinhte&Xahoi Nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ khi dịch không thể lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, tới thời điểm này, ngành y tế cũng đã điều trị thành công hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh.

Tàu Silver Spirit cho khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng ngày 19-2 là một minh chứng cho việc Việt Nam hiện là một điểm đến an toàn

Những kết quả đáng ghi nhận

Bé gái 3 tháng tuổi mắc dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất đã được điều trị thành công, cho kết quả âm tính với Covid-19 và được xuất viện ngày 20-2. Như vậy, cả nước ta hiện nay chỉ còn 2 bệnh nhân đang được điều trị tại cơ sở y tế với tình hình sức khỏe tiến tiến triển tốt, có thể được xuất viện trong những ngày tới.

Việc chữa trị thành công cho 14/16 ca nhiễm Covid-19, trong đó có cả trường hợp nhiều bệnh nền như: Huyết áp, tim mạch, tiểu đường, từng cắt phổi do ung thư… là một nỗ lực của ngành y tế Việt Nam mà trực tiếp là đội ngũ y bác sĩ tham gia điều trị trực tiếp. Cho dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song việc chữa khỏi cho hầu hết các ca bệnh cho thấy, Việt Nam đã đưa ra được một phác đồ điều trị hiệu quả. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, tạo nên sự tin tưởng của người dân vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm còn diễn biến phức tạp này. 

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính tới chiều 20-2, ngoài 2 ca bệnh Covid-19 đang có tiến triển tốt, cả nước chỉ còn 23 trường hợp đang tiếp tục cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 1.538 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn được cách ly do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm Covid-19.

Một thành công đáng ghi nhận là trong 16 ca mắc Covid-19 cho tới nay ở nước ta, có tới 9 ca mắc bệnh từ ngoài lãnh thổ Việt Nam (6 người Việt trở về từ tâm dịch Vũ Hán; 2 người Trung Quốc, 1 Việt kiều trở về từ Mỹ có quá cảnh tại Vũ Hán) và chỉ có 7 ca do lây nhiễm trong nước. Nói cách khác, cho tới lúc này, chúng ta đã khống chế không để dịch Covid-19 lây lan rộng.

Những bệnh nhân Covid-19 được điều trị thành công và ra viện là một kết quả tích cực trọng cuộc chiến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này

Việt Nam là điểm đến an toàn

Để có được kết quả đáng khích lệ như trên là những nỗ lực cao độ từ Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ 10 ngày sau khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên được xác nhận, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch ở nước ta để áp dụng các biện pháp thích đáng nhằm phòng chống dịch bệnh, cho dù ở thời điểm công bố dịch cả nước cũng mới chỉ có 6 trường hợp mắc bệnh.

Theo Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, việc công bố dịch được thực hiện theo 3 mức: Chủ tịch UBND tỉnh/thành công bố dịch, Bộ Y tế công bố dịch và Thủ tướng Chính phủ công bố dịch. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ công bố một dịch bệnh truyền nhiễm kể từ khi Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành từ năm 2007. Việc này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh ở nhiều nơi trên thế giới. Khẳng định quyết tâm cũng như các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc. Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong...

Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai đồng bộ ở mức độ cao để phòng chống dịch, từ việc tạm dừng chuyến bay tới các vùng có dịch, thực hiện cách ly đối với tất cả những người đến từ vùng dịch, cho tới xây dựng các bệnh viện dã chiến, các trung tâm cách ly... Việc toàn bộ các trường học trên cả nước cho học sinh nghỉ học được xem là biện pháp hiệu quả để phòng tránh dịch Covid-19 lây lan.

Những nỗ lực phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam đã xử lý dịch bệnh do Covid-19 rất tốt và cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế, tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, hợp tác đa ngành. Tổ chức y tế lớn nhất toàn cầu này ghi nhận, đó là kết quả của nhiều năm đầu tư, là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó, kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách, kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và hiện nay là dịch Covid-19.

Việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả đã mang lại sự tin tưởng, an tâm cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các khách du lịch, rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn. Cho dù khách du lịch từ Trung Quốc đang tạm dừng, nhưng khách du lịch châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia… vẫn tiếp tục tới Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sau bánh mì thanh long, giá loại quả "rồng" tăng đột biến

Sau khi doanh nhân Kao Siêu Lực chế biến ra loại bánh mì thanh long độc đáo, đồng thời chia sẻ rộng rãi công thức, nhiều cơ sở sản xuất ở các địa phương cũng đã làm được bánh mì thanh long. Cộng với việc khơi thông cửa khẩu đã đẩy giá thanh long ở nhiều địa phương tăng cao.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/viet-nam-tong-luc-chong-giac-covid19/843661.antd