VIFON Hải Dương bán sản phẩm muối sấy không đạt quy chuẩn

08/03/2019 10:15

Kinhte&Xahoi Trước thông tin sản phẩm muối sấy của Công ty cổ phần VIFON chi nhánh Hải Dương không đạt hàm lượng iot theo quy chuẩn, đến nay dư luận vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía đại diện công ty.

Căn cứ theo Công văn số 08/QLCL ngày 04/01/2019 của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản tỉnh Điện Biên về việc thông tin chất lượng sản phẩm muối và bột canh trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 113/SNN-QLCL-TTr về việc thông tin chất lượng sản phẩm muối. Tuy nhiên, đến nay PV cũng như dư luận quan tâm đến vấn đề này vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục?
Sản phẩm muối tinh sấy của Công ty VIFON.

Văn bản số 08/QLCL ngày 04/01/2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản tỉnh Điện Biên cho biết “đã thực hiện lấy mẫu 18 mẫu muối và bột canh phân tích chất lượng (đặc biệt là chỉ tiêu về hàm lượng iot)"; kết quả phân tích cho thấy một số mẫu muối và bột canh có hàm lượng iot không đạt yêu cầu so với quy chuẩn và công bố, một số mẫu không phát hiện có hàm lượng iot.

Trong danh sách sản phẩm và cơ sở sản xuất kèm theo cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 02 sản phẩm là  bột canh Hà Nội mới của cơ sở sản xuất Đức Hải, địa chỉ Tự Tứ, Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương cho kết quả “không đạt (không phát hiện thấy iot trong mẫu sản phẩm)” và sản phẩm muối sấy Vifon của VIFON - Công ty Cổ phần kĩ nghệ thực phẩm Việt Nam, địa chỉ 931, Trường Chinh, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú. TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần VIFON chi nhánh Hải Dương, địa chỉ: Lô đất CN8KCN, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho kết quả “không đạt (hàm lượng iot thấp hơn chỉ tiêu chất lượng công bố và quy chuẩn)”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Chuân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản Hải Dương cho biết “Đối với cơ sở sản xuất Đức Hải, đơn vị đã ra quân kiểm tra, xử phạt và buộc đình chỉ sản xuất đối với sản phẩm này.

Còn sản phẩm Muối tinh sấy cao cấp VIFON lại không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp mà thuộc thẩm quyền của ngành Công thương do căn cứ Nghị định 15/2018/NĐ-CP “thông tin đăng kí của Công ty Cổ phần VIFON chi nhánh Hải Dương sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền của cả 2 ngành, nhưng sản phẩm có sản lượng lớn nhất của công ty lại thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công thương”. Sở Nông nghiệp cũng ra Văn bản số 113 gửi Sở Công thương “đề nghị quan tâm, giám sát, chỉ đạo chuyên môn; thực hiện giám sát đối với sản phẩm muối của Công ty Cổ phần VIFON".
Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần VIFON chi nhánh Hải Dương đã được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số cấp 000250/2018/ATTP-CNĐK có hiệu lực đến hết ngày 28/3/2021. Theo ông Chuân nếu như vậy thì thẩm quyền quản lý đơn vị này lại thuộc Bộ Y tế kiểm tra và xử lý?

PV đã nhiều lần liên lạc với số điện thoại 0903891xxx được cho là của đại diện Công ty cổ phần VIFON – chi nhánh Hải Dương để đặt lịch làm việc nhằm lấy ý kiến của chủ cơ sở liên quan đến vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Một sản phẩm được bày bán và tiêu dùng phổ biến trên thị trường hàng ngày lại không đủ tiêu chuẩn và hàm lượng theo quy chuẩn công bố, nhất là khi nguyên tố iot có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, việc chậm trễ trong khâu xác định thẩm quyền xử lý, khắc phục có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, gây mất uy tín của sản phẩm trên thị trường. Dù trách nhiệm thuộc về ai thì người tiêu dùng vẫn là chủ thể chịu sự thiệt thòi đầu tiên đối với việc làm “treo đầu dê, bán thịt chó” của chủ cơ sở này.

PV sẽ tiếp tục xác minh thông tin phản ánh tới bạn đọc!

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM