Vụ án nhái nhãn hiệu Sabeco: Giám đốc và pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam cùng hầu tòa với tư cách bị cáo

07/05/2021 11:00

Kinhte&Xahoi Ngày 6/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án “Xâm phạm quyền sở hữu Công Nghiệp” ra xét xử lần 2. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng tại Việt Nam khi pháp nhân là bị cáo.

2 bị cáo của vụ án này là Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty bia Sài Gòn Việt Nam), trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh và ông Lê Đình Trung là Giám đốc công ty này.

Bị cáo Lê Đình Trung tại phiên tòa ngày 6/5/2021. Ảnh: Kim Chi

Các bị cáo bị truy tố bởi hành vi sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, sản phẩm có kiểu dáng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với quy mô thương mại. Sabeco được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên bị xâm phạm nhãn hiệu.

Trong phiên tòa xét xử này, bà Trần Thị Ái Loan (đại diện cho Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) và đại diện Cục sở hữu trí tuệ cùng vắng mặt.

Trước phiên xử, Sabeco đã có đơn gửi HĐXX đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với sản phẩm lon bia, vỏ thùng bia và xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập Viện Khoa học công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, điều tra viên, giám định viên tham gia phiên tòa.

Đồng thời, các luật sư cho rằng bắt buộc phải có người đại diện cho pháp nhân bia Sài Gòn Việt Nam tham gia phiên tòa.

Trước đó, pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã cử bà Trần Thị Ái Loan là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân (vì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này là ông

Lê Đình Trung đã bị khởi tố, cũng là bị can trong vụ án này) tham gia phiên tòa.

Bà Trần Thị Ái Loan đã có đơn đề nghị không tham gia tố tụng và làm đơn từ chối làm người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Sau đó, bà Trần Thị Ái Loan đã ủy quyền cho ông

Phan Minh Hoàng. Việc ủy quyền này tại phiên xử lần 1 đã không được HĐXX chấp nhận.

Trong khi đó, bị can Lê Đình Trung cho rằng: “Ông bị khởi tố, pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật nên buộc phải cử bà Trần Thị Ái Loan làm người đại diện theo pháp luật nhưng nay bà Loan từ chối”. 

 Bia Sài Gòn Việt Nam (trái) được cho là nhái nhãn hiệu bia Sài Gòn (bên phải).

Đại diện Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, HĐXX cần phải xem xét sự vắng mặt của bà Trần Thị Ái Loan. Nếu pháp nhân thay đổi người đại diện theo pháp luật thì phải thông báo cho cơ quan tố tụng và người đại diện theo pháp luật phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định.

HĐXX cũng giải thích thêm do ông Lê Đình Trung bị khởi tố nên pháp nhân cử bà Trần Thị Ái Loan là người đại diện theo pháp luật chứ bà Loan không phải là người đại diện theo pháp luật theo đăng ký của pháp nhân.

Cũng tại phiên tòa, HĐXX và đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng quan điểm: “Vấn đề Sabeco yêu cầu chứng minh nhãn hiệu Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng tại phiên tòa.

Cho rằng tại phiên tòa, HĐXX không đủ chức năng để tuyên bố một nhãn hiệu nào nổi tiếng hay không nổi tiếng. Việc tuyên bố Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của

Cục Sở hữu trí tuệ. Tình tiết mới phát sinh này không thể giải quyết tại phiên tòa này”.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các nội dung đã nêu.

Theo cáo trạng, sáng 23/6/2020, Đội quản lý thị trường thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với Cơ sở sản xuất bia Biva. Kết quả phát hiện cơ sở sản xuất này có 4.712 thùng bia mang nhãn hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” thành phẩm (1 thùng 24 lon, 1 lon dung tích 330ml), 116.700 vỏ lon bia loại dung tích 330ml và 3.300 vỏ thùng bia có cùng nhãn hiệu nhưng chưa sử dụng.

Các sản phẩm trên đều có đặc điểm: Trên bao bì sản phẩm thể hiện thông tin sản phẩm của Công ty bia Sàn Gòn Việt Nam; trên lon bia thành phẩm và vỏ lon bia chưa sử dụng có in các dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” và “hình khiên đứng” tại mặt trước; mặt sau lon bia có dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM”; trên bề mặt bên của lon bia có dấu hiệu “BIA SAIGON VN”…

Cho rằng, các sản phẩm trên có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “BIA SAIGON” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Sabeco nên đội quản lý thị trường đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa, đồng thời lập hồ sơ kiến nghị khởi tố chuyển Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xử lý theo thẩm quyền.

Kết quả trưng cầu giám định cũng thể hiện Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm 5 dấu hiệu với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco... Cáo trạng xác định, tổng sản phẩm mà cơ sở sản xuất Bia BiVa đã sản xuất cho Công ty Bia Sài Gòn là 8.912 thùng BIA SAIGON VIETNAM, tiêu thụ ra thị trường 3.300 thùng bia, thu về hơn 578 triệu đồng.

Pháp nhân thương mại là Công ty Bia Sài Gòn đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ; Lê Đình Trung là người đại diện theo pháp luật của Công ty Bia Sài Gòn tại thời điểm thực hiện hành vi xâm phạm, là người trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm.

Vì vậy, đủ căn cứ để truy tố đối với bị can pháp nhân thương mại là Công ty Bia Sài Gòn và truy tố bị can Lê Đình Trung về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” của Sabeco. 



 Viết Hùng - Kim Chi - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá thịt lợn tiếp tục hạ nhiệt

Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung tăng đã khiến giá lợn hơi trên cả 3 miền liên tục giảm trong một tháng trở lại đây. Hiện, giá lợn hơi ở miền Bắc đang thấp nhất với 67.000 đồng/kg.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/vu-an-nhai-nhan-hieu-sabeco-giam-doc-va-phap-nhan-cong-ty-bia-sai-gon-viet-nam-cung-hau-toa-voi-tu-cach-bi-cao-418248.html