Vụ án tại "Tịnh thất Bồng Lai": Lê Tùng Vân sẽ đối diện mức án nào với 3 tội danh?

06/01/2022 11:22

Kinhte&Xahoi Với 3 tội danh, trong đó có tội "Loạn luân", Lê Tùng Vân có thể phải đối diện với mức án chung thân.

Vừa qua, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” (còn gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”, có địa chỉ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Tịnh thất bồng lai còn gọi là "Thiền am bên bờ vũ trụ" tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Được biết, căn nhà này do bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) làm chủ. Ông Lê Tùng Vân (89 tuổi) và bà Cúc được xác định là người đứng đầu nơi tu tại gia này để trục lợi. Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng quyền từ do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân; tội loạn luân.

Kết quả giám định AND xác định ông Vân có hành vi loạn luân. Hiện, Công an tỉnh Long An đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Tùng Vân, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến sự việc trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho rằng, câu chuyện của người tự nhận là “sư chùa” ở ''Tịnh thất Bồng Lai'', tuy không phải là phật tử nhưng tự nhận học theo con đường tu Phật, rồi lợi dụng việc đó làm chuyện xằng bậy, trái với giao lý nhà Phật.

Đối với những kẻ tự nhận học theo Phật pháp rồi lợi dụng việc đó để làm những việc trái với đạo đức, trái với pháp luật cần phải được trừng trị một cách thích đáng để răn đe cho những kẻ đang manh nha có tư tưởng sai lệch, làm ảnh hưởng tới nét đẹp của tín ngưỡng Phật giáo tại Việt Nam.

Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn khoản 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định hành vi “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”. Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Nếu hành vi vi phạm quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ông Lê Tùng Vân và các thành viên.

Cụ thể, Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu như phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

''Trường hợp của đối tượng Lê Tùng Vân, không phải là sư chùa, cơ sở thờ tự cũng không phải cơ sở tôn giáo nhưng đã lợi dụng tín ngưỡng Phật giáo, tự xưng để tự do ngôn luận, lợi dụng hình ảnh và văn hóa của Phật giáo, làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An nói riêng và tín ngưỡng Phật giáo tại Việt Nam nói chung. Tội danh này nếu được cho là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì đối tượng Lê Tùng Vân có thể chịu mức phạt tù từ 2 đến 7 năm", luật sư Hoàng Tùng phân tích, đánh giá.

Cũng theo luật sư này, ngoài tội danh trên, đối tượng Lê Tùng Vân và các cá nhân tại cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai" dùng thủ đoạn gian dối trong việc kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác mà thuộc một trong các hành vi: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

''Thực tế điều tra cho thấy, đối tượng Lê Tùng Vân cùng các cá nhân ở cơ sở này lợi dụng danh nghĩa, mạo nhận nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội; sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây.

Như vậy, rõ ràng việc lừa đảo thể hiện bằng việc gian dối, đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Cần phải điều tra cụ thể số tiền mà cơ sở này đã lừa đảo của người khác để có thể đưa ra mức xử phạt cụ thể với tội danh này.

Đối tượng Lê Tùng Vân và các cá nhân có liên quan có thể sẽ phải chịu mức hình phạt từ 2 năm tù cho đến mức tù cao nhất là chung thân, tùy theo mức độ hành vi phạm tội của mỗi cá nhân. Riêng đối với đối tượng Lê Tùng Vân, căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an để xác định khung hình phạt. Với các hành vi của ông Vân và các cá nhân liên quan ở ''Tịnh thất Bồng Lai'', tội phạm này xứng đáng phải chịu mức hình phạt cao nhất", luật sư Hoàng Tùng nhận định.

Nói về tội loạn luân, luật sư Hoàng Tùng viện dẫn các quy định và phân tích như sau: ''Tội loạn luân được xác định là tội phạm hoàn thành kể từ khi hai người nam và nữ có cùng dòng máu trực hệ thực hiện hành vi giao cấu. Theo quy định của pháp luật, người có dòng máu trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại.

Việc giao cấu giữa những người có dòng máu trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là sự thỏa thuận, đồng tình của hai người; nếu một trong hai người bị ép buộc hoặc bị cưỡng bức thì người có hành vi ép buộc, cưỡng bức không phạm tội loạn luân mà tùy trường hợp cụ thể mà người có hành vi ép buộc, cưỡng bức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm.

Trong trường hợp này, nếu như nạn nhân của đối tượng Lê Tùng Vân đồng ý với việc giao cấu, không lên tiếng tố cáo về hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm cũng vẫn quy vào tội loạn luân. Hành vi loạn luân không chỉ gây ra thiệt hại về tinh thần cho những người thân của người phạm tội, mà còn gây thiệt hại cho xã hội về thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc.

Về khung hình phạt với tội loạn luân, Điều 184 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm'', luật sư nêu quan điểm.

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng giả tràn lan "chợ mạng"

Cuối năm là thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm đồ đạc, vật dụng mới. Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tâm lý do sợ mua sắm trực tiếp thì lại là chất xúc tác mạnh để “chợ mạng” tung ra rất nhiều sản phẩm hút khách. Thế nhưng, nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười từ việc mua phải hàng không y hình qua chợ mạng khiến người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi đặt niềm tin trong thời điểm này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-an-tai-tinh-that-bong-lai-le-tung-van-se-doi-dien-muc-an-nao-voi-3-toi-danh-d174266.html