Xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy khoa học, khát vọng đổi mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Thủ đô

03/12/2021 19:47

Kinhte&Xahoi Sáng 3-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp thành phố về công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo khoa học chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo khoa học cấp thành phố về công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Trung ương tham dự hội nghị có Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng...

Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các trường chính trị các tỉnh, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác cán bộ và nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nhấn mạnh: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, là đảng bộ lớn nhất cả nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, tính đến tháng 10-2021, Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 46 vạn đảng viên, chiếm gần 10% đảng viên cả nước; 131.565 cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố. Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã gương mẫu, tiên phong thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định đó là khâu quan trọng, mang tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng công tác cán bộ của thành phố.

Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, đặc biệt, vừa qua đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo và Quy định về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của thành phố…

“Điều đó thể hiện sự đổi mới về tư duy và nhận thức, đồng thời khẳng định quyết tâm hành động của Đảng bộ thành phố; qua đó, trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng của thành phố cũng đang đặt ra những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp.

Hội thảo hôm nay sẽ góp phần sớm hiện thực hóa và thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra, nhất là mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; có tư duy khoa học, khát vọng đổi mới; có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới. 

Đây cũng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học về thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng ở thành phố Hà Nội thời gian qua; chia sẻ, góp ý, trao đổi thẳng thắn những kinh nghiệm, bài học quý báu để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hiệu quả sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong bối cảnh triển khai tổ chức thí điểm mô hình quản lý chính quyền đô thị.

Không đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ

Tham luận với chủ đề “Công tác lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, trong từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chủ động tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp căn cơ, mang tính đột phá, đổi mới phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tiễn của công tác này cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó, nội dung cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương chức và quy hoạch còn rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa đổi mới mang tính đột phá; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ còn chưa được quan tâm đúng mức…

Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Để tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đề xuất thực hiện 4 nội dung trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với các khâu khác của công tác cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ không qua đào tạo, bồi dưỡng đủ thì không đề bạt, bổ nhiệm…

Thảo luận về chủ đề “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, thành phố cần tập trung đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt những kỹ năng, kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong lãnh đạo, quản lý; năng lực quản lý, điều hành chính quyền đô thị; năng lực làm việc trong môi trường quốc tế…, đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô “có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Đại diện lãnh đạo trường chính trị hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ tại các địa phương. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng có nhiều bài tham luận nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của Thủ đô và đất nước.

Bồi dưỡng, đào tạo để cán bộ đáp ứng thực tiễn phát triển của Thủ đô

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, qua 57 bài viết có chất lượng cao được biên tập kỹ lưỡng gửi về Ban Tổ chức hội thảo và nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các đại biểu tham dự, có thể khẳng định: Cán bộ là cái gốc của công việc. Vì thế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Các tham luận cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng của thành phố, như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng có lúc, có nơi còn thiếu toàn diện, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực tiễn. Trong đó, nội dung cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương chức và quy hoạch còn thiếu sáng tạo, chưa có đột phá…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội thảo.

Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Thủ đô trong tình hình mới, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và mang tính đột phá nhằm nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục xây dựng, phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ Thủ đô đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức giải quyết tốt những việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ do thực tiễn phát triển Thủ đô và đất nước đặt ra.

Trong đó, tập trung vào 6 giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường công tác quản lý, đánh giá, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật học tập; phát huy tính tích cực học tập của đội ngũ cán bộ; tiếp tục thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các khâu khác của công tác cán bộ, đặc biệt là luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bố trí sử dụng; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đầu tư nâng cấp Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng khẳng định, Ban tổ chức hội thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch về công tác cán bộ…, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Không để nông sản khan hàng, sốt giá dịp cuối năm

Nhu cầu về thực phẩm từ nay tới cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng mạnh, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đang đặt ra bài toán khó về nguồn cung nông sản. Để giải quyết nhu cầu thực phẩm cho người dân Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã sớm lên kịch bản đa dạng nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Hà Nội đêm không ngủ: Cú hích kích cầu mua sắm cuối năm

Sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight sale” năm 2021 và sự kiện Black Friday trên toàn thế giới, nhiều chương trình giảm giá, kích cầu đặc biệt lên tới 100% đã được các doanh nghiệp đồng loạt tung ra bẳng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo cú hích cho thị trường nội địa cuối năm.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1018971/xay-dung-doi-ngu-can-bo-co-tu-duy-khoa-hoc-khat-vong-doi-moi-dap-ung-nhiem-vu-chinh-tri-cua-thu-do?