Xử nghiêm vi phạm quy định nồng độ cồn

10/05/2020 10:54

Kinhte&Xahoi Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn, quán bia hơi ở Hà Nội lại đông đúc. Đặc biệt, người dân và chủ quán đã “quên” đi hiệu lực của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn Thủ đô, ngày 8-5. Ảnh: Văn Huế

Trước tình trạng này, cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm, mỗi người cần nâng cao ý thức để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, vừa giữ gìn an toàn giao thông cũng như bảo vệ chính bản thân.

Vi phạm ở nhiều nơi

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trong ngày 8-5, nhiều hàng quán tại các quận, huyện đông đúc khách, trong khi hầu hết khách rời quán đều tự đi xe dù có uống bia, rượu.

Trên địa bàn quận Long Biên, tại nhà hàng gà Lộc Vừng số 125 phố Nguyễn Sơn, khách hàng ngồi kín các bàn. Tương tự, nhà hàng Bia Hà Nội, 54 phố Ngọc Lâm, hay các hàng ăn nhỏ như cháo lòng số 72-74 tuyến phố này, khách đi từng đoàn đông đúc. Tiếp đó là Làng Bia quán Mộc số 1 Long Biên - Xuân Quan (chân cầu Chương Dương) luôn tấp nập khách đi xe máy, ô tô đến ăn. Quán ba ba quê tại phố Ái Mộ cũng chào đón từng tốp khách.

Tại quận Cầu Giấy, quán bia hơi Hải Xồm, số 45 Trần Thái Tông nườm nượp khách ăn nhậu. Phía ngoài, xe máy đỗ thành hàng dài. Cách đó vài số nhà, quán bia hơi Beer Xanh, 69 Trần Thái Tông tưng bừng khai trương với hàng chục ô tô, xe máy đỗ kín hai mặt tiền của quán. Tại ngã tư Thành Thái - Khúc Thừa Dụ, quán Công viên bia cũng tập trung rất đông khách hàng ngồi ăn nhậu. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, hai quán bia Thu Hằng và Lan Chín tại 18 Lê Đức Thọ; bia hơi Kim Oanh, 65 Hồ Tùng Mậu tuy lượng khách không đông song cũng kín khoảng 1/2 số bàn ăn trong quán.

Ghi nhận tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, các quán Trâu ngon, số 145 Bùi Thị Xuân; bia Thu Hằng, số 67 Ngô Thì Nhậm; quán bia Hương Hải, 37H5, tập thể Nguyễn Công Trứ… từ 10h30 ngày 8-5 khách hàng đã tấp nập đến ăn uống. Tương tự, trên địa bàn quận Hoàng Mai, các quán như bia Cường hói E6, số 18 Tam Trinh; Anh em quán, số 162 Tân Mai… cũng khá đông khách trong ngày 8-5.

Điều đáng phê phán là, rất nhiều khách ăn nhậu ở các cửa hàng ăn nói trên dù có sử dụng đồ uống có cồn nhưng vẫn tự lái xe sau khi rời quán, trong khi chủ quán không hướng dẫn, gọi phương tiện cho khách. Chứng kiến tình trạng này ở ngay con phố nơi sinh sống, chị Lê Hồng Hạnh, phố Tam Trinh (quận Hoàng Mai) cho biết: "Tình trạng ăn nhậu, rồi tự lái xe về nhà không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác. Vi phạm này cần xử lý nghiêm để bảo đảm an toàn cho mọi người".

Đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm vi phạm

Trước tình hình vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP có chiều hướng phức tạp trở lại, lực lượng chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm. Ghi nhận trưa 8-5, mặc dù nhiệt độ ngoài trời đến gần 40 độ C, các tổ tuần tra kiểm soát xử lý nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) vẫn bám chốt làm nhiệm vụ.

Để bảo đảm xử "đúng người, đúng tội", tổ tuần tra phân công nhiệm vụ, ngoài cắm chốt xử lý tại những điểm tập trung nhiều quán bia, rượu còn có trinh sát tại khu vực quán. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu nồng độ cồn từ quán đi ra, trinh sát sẽ lập tức báo tổ xử lý chặn giữ kiểm tra. Cụ thể, trong ngày 8-5, tổ công tác do Đại úy Đặng Minh Thành làm Tổ trưởng, đã xử lý trường hợp anh Lò Văn T., ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa điều khiển xe máy, biển số 36H1-068.7x vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,064mg/1 lít khí thở…

Cùng với tăng cường xử lý nghiêm, theo Thượng úy Phạm Đức Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Hai Bà Trưng, Công an quận và các phường vẫn đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ, hậu quả của các hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện cơ giới mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Đồng thời, lực lượng cảnh sát trật tự cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, đặc biệt ở khu vực nhà hàng, quán ăn, bến cảng, kho bãi…

Về phía chính quyền địa phương, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, UBND quận đã yêu cầu các phường tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền Nghị định 100/2019/NĐ-CP đến người dân và các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng chốt trực trước cửa nhà hàng, quán bia hơi, dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác định người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và xử lý nghiêm vi phạm.

Trao đổi thêm về việc này, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, sau khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nới lỏng hơn, các quán ăn, nhà hàng, quán bia trên địa bàn Thủ đô đã được hoạt động trở lại. Vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn để bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không "nới lỏng" trong thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong quý I-2020, thành phố Hà Nội xử lý 4.264 trường hợp vi phạm giao thông, riêng lỗi nồng độ cồn có gần 1.900 trường hợp bị xử phạt với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Trong ngày 7 và 8-5, đã có 2 trường hợp đi xe máy vi phạm về nồng độ cồn, vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu, bị xử phạt ở mức 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, tính an toàn, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hơn 10 triệu người trên địa bàn Thủ đô.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/xu-nghiem-vi-pham-quy-dinh-nong-do-con-d124078.html