Yêu cầu làm rõ thông tin về việc giả bác sĩ để vào làm việc tại khu điều trị Covid-19

22/02/2022 14:31

Kinhte&Xahoi Ngày 22-2, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn số 162/KCB-QLHN gửi Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ thông tin về việc giả làm bác sĩ để vào làm việc tại khu điều trị.

Theo thông tin phản ánh, ông Nguyễn Quốc Khiêm giả bác sĩ vào làm việc tại một khu điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh - đó là Trường Cao đẳng Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (tại quận 12 thành phố Hồ Chí Minh) từ tháng 7-2021, theo danh sách sinh viên tham gia hỗ trợ khu cách ly của Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, theo thông tin, bác sĩ giả này được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến..., đồng thời tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi xem xét, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin về trường hợp giả bác sĩ nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát lại danh sách người hành nghề, sinh viên của đơn vị mình tham gia hỗ trợ khu cách ly để phát hiện các sai sót tương tự. Báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh) trước ngày 28-2-2022.

Sáng cùng ngày, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này cũng đã nắm được thông tin và đang vào cuộc để điều tra vụ việc. 

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cũng khẳng định, không có bác sĩ Nguyễn Quốc Khiêm làm việc tại Khoa Tim mạch của bệnh viện này như giới thiệu. Đồng thời, hình ảnh giấy khen của bác sĩ giả mạo này lưu truyền trên mạng cũng là giả.

Xuân Lộc - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nước hoa giả, tác hại thật

Thời gian qua, nhiều loại nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng thế giới được rao bán với giá rẻ hàng chục lần so với giá gốc; thậm chí, có loại giá rẻ “giật mình”, chỉ 50.000-200.000 đồng. Điều đáng nói, các sản phẩm này được bày bán nhan nhản tại các chợ, cửa hàng và trên mạng xã hội. Vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng đã mua phải nước hoa giả, kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe bản thân.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1025339/yeu-cau-lam-ro-thong-tin-ve-viec-gia-bac-si-de-vao-lam-viec-tai-khu-dieu-tri-covid-19