5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh": Hiệu quả từ việc phát huy sức dân để chăm lo cho dân

16/12/2021 07:38

Kinhte&Xahoi Qua 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp TP Hà Nội đã phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở đưa cuộc vận động triển khai sâu rộng; Phát huy mọi khả năng và sự tham gia của người dân với tinh thần “phát huy sức mạnh từ Nhân dân để chăm lo cuộc sống cho Nhân dân”. Từ đó, đưa đến nhiều kết quả khá toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... của Thủ đô.

Tuyên truyền và tạo sức lan tỏa trong Nhân dân

 Tính đến quý IV/2021, toàn thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới. 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn Nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Là địa phương duy nhất hoàn thành 100% xã Nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng đang phấn đấu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh: “Bí quyết” là nhờ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức để người dân dễ hiểu, dễ nhớ; Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Ngoài ra, huyện đã xây dựng và phát huy lực lượng nòng cốt ở các thôn, cụm dân cư, nhất là Ban công tác Mặt trận cơ sở, những cá nhân tiêu biểu để tuyên truyền và tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.

Diện mạo Nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Ảnh: Khắc Hiển)

Cụ thể, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đan Phượng về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2 là: Phát triển sản xuất, đường có hoa, nhà có số; MTTQ huyện đã chủ động tham mưu và đảm nhận việc đặt tên đường, có biển chỉ dẫn cụ thể.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động xây dựng văn bản triển khai đến MTTQ các xã; Hướng dẫn MTTQ các xã, thị trấn tập trung tổ chức các hội nghị phản biện xã hội về dự thảo phương án của Ban chỉ đạo xã thực hiện đặt tên đường, đánh số nhà và biển chỉ dẫn tên đường trên địa bàn; Hiệp thương thống nhất với các đoàn thể tham gia đảm nhận các mô hình xây dựng cảnh quan nông thôn, đảm nhận các tuyến đường, khu dân cư làm điểm mô hình như: Mô hình gắn biển số nhà; Mô hình đoạn đường sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; Mô hình vận động các gia đình tự mua thùng đựng rác có nắp đậy....

Trong 2 năm triển khai thực hiện, 15/15 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc gắn biển số nhà, đặt tên đường, gắn biển chỉ dẫn. Kết quả, toàn huyện lắp được 38.104 biển số nhà, 3.282 tuyến đường được đặt tên và lắp biển chỉ dẫn, 78 tuyến đường có hoa, vẽ tranh bích họa với chiều dài 25km.

Để nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới, huyện đã phát động cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Trong quá trình triển khai, MTTQ các xã, thị trấn, các ban công tác Mặt trận đã chủ động phối hợp tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào làm đẹp tuyến đường, tuyến phố để làm điểm nhân rộng tại nhiều thôn, ngõ, xóm.

Nhiều thôn thực hiện tốt công tác xã hội hóa xây dựng tuyến đường có hoa, tranh bích họa, tranh gốm sứ tạo cảnh quan môi trường đẹp; Các ao môi trường được đầu tư xây dựng có rào chắn đảm bảo an toàn, trồng nhiều cây xanh, hoa trang trí. Nhân dân tích cực mua sắm ghế đá đặt quanh ao môi trường, điểm công cộng phục vụ người dân vui chơi…

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ trong lao động sản xuất

 Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, sau 5 năm triển khai, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần tăng cường sự đoàn kết trong các tầng lớp Nhân dân. Quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động đã xuất hiện nhiều mô hình khu dân cư, xã, phường tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đáng kể, thông qua cuộc vận động đã huy động được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ để xây dựng các công trình an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao vật chất tinh thần của Nhân dân. Điển hình như Nhân dân 7 xã khu vực miền núi huyện Ba Vì đã hiến 40.617m2 đất, tham gia 1.237.677 ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi khác; 3 xã miền núi huyện Thạch Thất đã hiến 19.719m2, tham gia 7.131 ngày công lao động, 191 triệu đồng, 300 ghế hội trường để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình nhà văn hóa, công trình phúc lợi khác, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa…

Nhiều con đường Nông thôn mới được xây dựng từ sự đóng góp, ủng hộ của Nhân dân

MTTQ các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc tổ chức các hoạt động vận động tập thể, cá nhân chung tay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, xoá nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, khám chữa bệnh… giúp đồng bào dân tộc nâng cao cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Qua 5 năm, toàn TP đã xây, sửa 365 nhà vùng đồng bào dân tộc tại 5 huyện với mức hỗ trợ nhà xây mới khoảng 50 triệu đồng và nhà sửa chữa khoảng 20 triệu đồng, tổng nguồn kinh phí hơn 13 tỷ đồng; Thành phố hỗ trợ xây dựng 51 nhà văn hóa thôn ở các xã vùng dân tộc thiểu số miền núi với tổng kinh phí trên 97 tỷ đồng. Trong đó, điển hình là 192 hộ nghèo thuộc 7 xã miền núi huyện Ba Vì đã được Quỹ Vì người nghèo của huyện, xã và các tổ chức trong và ngoài huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ là 5 tỷ 287,5 triệu đồng; Huyện Thạch Thất trích Quỹ Vì người nghèo các cấp và vận động, xã hội hóa các tổ chức, doanh nghiệp của thành phố, huyện hỗ trợ xây, sửa 29 nhà ở với số tiền hỗ trợ là 791 triệu đồng cho các hộ nghèo ở 3 xã miền núi…

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế trong đồng bào có đạo.

Mặt trận các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh của từng tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ gia đình có đạo đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào trong sản xuất, chăn nuôi; Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng ở các khu dân cư...

Trong những năm tới, quá trình phát triển Thủ đô sẽ có nhiều biến động khi thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Khi một số huyện trở thành quận, nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới sẽ được bổ sung và thay đổi cho phù hợp với tình hình mới để tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt hiệu quả hơn nữa.

Điều này đòi hỏi MTTQ các cấp TP cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động... để tiếp tục khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.

Lan Chi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chàng trai Hà thành một mình tình nguyện chăm sóc 9 F0

Là trạm trưởng Trạm y tế lưu động phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Quốc Thắng cũng là nhân viên y tế duy nhất làm việc vòng trong trực tiếp chăm sóc 9 F0. Chàng trai trẻ cho biết, luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hieu-qua-tu-viec-phat-huy-suc-dan-de-cham-lo-cho-dan-185660.html