Ám ảnh chuyến xe về quê đón Tết

10/01/2021 12:23

Kinhte&Xahoi Tết đến, Xuân về, ai cũng náo nức, ai cũng mong ở bên gia đình cùng chào đón những giây phút đầu tiên của năm mới. Để có giây phút sum họp, những người con xa quê phải đi qua một chặng đường dài để về với quê hương, với người thân.

Đối với họ, những chuyến xe ngày Tết như chở cả mùa xuân, chở cả tình thương về bên gia đình. Thế nhưng, để đảm bảo cho những chuyến xe được an toàn, thuận tiện không phải là chuyện dễ. Nhiều khi, những chuyến xe về quê ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh đối với họ.

Nỗi lo ngày Tết

Cứ mỗi mùa Tết, hàng triệu người lao động tại các thành phố lớn lại phải vật vã với các chuyến tàu, xe về quê. Nỗi khổ và sự hiểm nguy trên các cung đường luôn hiện diện trong ngày trở về đoàn tụ. Tha hương cả năm thì mong ngày về và đây cũng là dịp gia đình có thể gần bên nhau. Ông bà có thể gặp được con cháu, họ hàng có dịp hàn huyên, hàng xóm, thông gia có dịp giao lưu gặp gỡ. Cả năm, công việc túi bụi khiến họ cuốn theo vòng xoáy “cơm áo - gạo tiền”.

Dịp cuối năm mới có thể nghỉ được dài ngày, con cái cũng không vướng bận việc học nên không về dịp này cũng khó về được dịp khác. Những người có điều kiện, có xe riêng, những người có quê cách thành thị dưới 100km thì đỡ vất vả hơn. Nhưng những người lao động có thu nhập thấp, nơi làm việc cách xa cả trăm, thậm chí cả ngàn kilomet thì không cách gì khác, khổ cũng về, vật vạ trên các chuyến xe đường dài, chen chúc trên các chuyến tàu, cạn tiền kiếm vé báy bay... cũng đành chấp nhận.

Thực tế này đã diễn ra nhiều năm, nhưng cũng khó thay đổi. Bởi lượng người về quê quá lớn trong cùng thời điểm nên các công ty vận tải không thể đáp ứng. Các bến xe đã huy động hết công suất số lượng xe để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp Tết.

Có nơi phục vụ người dân đến tận đêm 30 và cần thiết sẽ có xe dự phòng. Đây là nỗ lực lớn của các bến xe, các sở giao thông vận tải trong bối cảnh hệ thống giao thông còn hạn chế, phương tiện chưa hiện đại và thiếu trầm trọng vẫn chưa đáp ứng đủ được nhu cầu của người dân.

Áp lực từ nhu cầu đi lại lớn của người dân là một khía cạnh, bên cạnh đó, nghiêm trọng hơn, giao thông đường bộ đang hàm chứa những bất trắc đe dọa mạng sống của người dân. Ngày thường đã đầy bất trắc nói gì những ngày Tết. Số vụ tai nạn giao thông hằng năm luôn rất cao và tăng đột biến trong dịp Tết.

Xe càng nhiều, chạy càng nhanh thì càng mất an toàn. Vậy nên, dòng xe đông đúc ngược xuôi đưa người về quê trong dịp cận Tết, chỉ một sơ suất nhỏ, ngày đoàn tụ sẽ trở thành ngày chia ly và ra đường đang trở thành nỗi sợ hãi đối với nhiều người.

Bảo đảm đón Tết an toàn

Có lẽ chưa bao giờ, người dân về quê đón Tết đặc biệt như năm nay. Dịch bệnh Covid vẫn đang hoành hành, chưa có dấu hiệu được kiểm soát ở các nước khác, thì việc những người Việt ở nước ngoài muốn về quê hương đón Tết càng trở nên khác biệt.

Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị tạm dừng tổ chức các chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có lây nhiễm chủng biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và đang có dịch diễn biến phức tạp. Các trường hợp công dân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước thì phải bảo đảm đúng đối tượng. Những trường hợp được nhập cảnh, cũng phải có biện pháp cách ly, giám sát đề ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân năm 2021 trong nước trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1711/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Trong đó nhấn mạnh nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về TTATGT, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông chính, trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, cũng như đội ngũ người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện.

 Những chuyến xe về quê ngày Tết luôn đặc biệt với những người xa quê.

Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; giảm thiểu tối đa tình trạng chậm, huỷ chuyến; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau chuyến bay chở người nhập cảnh, bảo đảm phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh nhập cảnh qua đường hàng không.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ như sau: Xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định. Các Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội xuân 2021.

Cùng với đó, Bộ Công an nhằm bảo đảm TTATGT Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông.... bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bảo đảm các hoạt động giao thông vận tải, nhu cầu vui chơi, lễ hội của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Trong đó, lực lượng CSGT sẽ tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không nhường đường cho xe ưu tiên; không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá niên hạn kiểm định. Xe ô-tô chở khách, ô-tô vận tải container và xe mô-tô là những đối tượng tập trung kiểm soát, xử lý.

Với nỗ lực để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết cổ truyền, các đơn vị bến xe, vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải hành khách công cộng đã sớm có kế hoạch, sẵn sàng phục vụ hành khách trong mọi tình huống. Các đơn vị bảo đảm hành khách được phục vụ chu đáo, an toàn và không để bất kỳ người lao động nào không được về quê sum họp gia đình vì thiếu phương tiện vận chuyển phục vụ.

Kỳ vọng vào những thay đổi

Năm 2020 là năm đầu tiên trong 10 năm trở lại đây tình hình ATGT đạt được một số điểm tích cực. Theo thống kê tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016 - 2020 và Năm ATGT 2020; triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 và Năm ATGT 2021, từ tháng 1 đến tháng 12 của năm 2020, cả nước xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giảm 2.900 vụ (giảm 18,26%), số người chết giảm 927 người (giảm 13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (giảm 20,52%).

Trong vòng 10 năm qua, lần đầu tiên số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người. Đó là một trong những tín hiệu đáng mừng, nhưng chúng ta vẫn đang rất kỳ vọng ngành giao thông vận tải sẽ có những đổi thay tích cực hơn, rõ nét hơn trong năm mới Tân Sửu 2021.

Tính đến hết năm 2020, cả nước đã khởi công xây dựng hơn 20 công trình giao thông trọng điểm, có hàng trăm  công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng. Những công trình này góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.

Cùng với đó, nhiều chính sách pháp luật đã, đang và sẽ được triển khai đưa vào thực tế như Nghị định 100/2019 của Chính phủ; Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ tạo nên bước đột phá trong việc không để xảy ra tai nạn giao thông.

Không chỉ đảm bảo người dân đón Tết Tân Sửu, vui xuân 2021 một cách an toàn, thực sự là một dịp sum vầy và đầm ấm bên những người thân mà còn dần làm thay đổi thói quen xấu của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người về sau.

 Sinh Nguyễn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/am-anh-chuyen-xe-ve-que-don-tet-d145675.html