Bắc Giang: Mục sở thị đại công trường khai thác “vàng đen” ở huyện Sơn Động

19/11/2019 15:06

Kinhte&Xahoi Đi một vòng quanh xã An Bá, huyện Sơn Động (Bắc Giang), chúng tôi chứng kiến bầu không khí u ám cùng những ánh mắt lo lắng của người già, trẻ nhỏ mỗi khi có xe tải chở than đi qua. Những quả đồi keo xanh mướt ở thôn Lái nay trở nên nham nhở, tan hoang vì bị "xẻ thịt" để lấy than…

Những đồi keo ở thôn Lái, xã An Vá (Sơn Động – Bắc Giang) bị “xẻ thịt” để khai thác than. Ảnh: Cao Tuân

Chặt cây, xẻ đồi, khai thác than lộ thiên

Từ trung tâm xã An Bá, men theo những con đường đất lổn nhổn, lầy lội sau mưa chúng tôi cũng tìm được đến khu vực khai thác than nằm trên địa phận thôn Lái. Tại đây, 2 chiếc máy xúc cỡ lớn cùng hàng chục chiếc xe tải đang hoạt động. Tiếng máy móc, khói bụi của than khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi quay lại thăm một làng quê từng rất yên bình, nằm cách xa thành phố Bắc Giang gần 100km.

"Ở đây trữ lượng than nhiều lắm. Từ nhiều năm trước, họ đã khai thác ở An Bá và các xã lân cận. Từ đầu năm đến nay, chủ bãi than mua đất lâm nghiệp trồng keo của người dân sau đó chặt cây đi để đào than phía dưới. Có nhà được họ trả cho vài trăm triệu đồng/đồi keo nên nhiều người đồng ý bán dù biết trái quy định của pháp luật", anh H, một người dân địa phương nói với chúng tôi.

Đường dẫn đến đồi keo lầy lội dấu vết của than.

Cũng theo lời anh H, ông chủ khai thác than ở đây là người có "máu mặt", từng đi tù và có rất nhiều mối quan hệ nên không sợ ai cả(?). Dọc đường đi, anh liên tục căn dặn chúng tôi phải giữ kín thông tin để tránh nguy hiểm.

Theo quan sát của PV, nơi đây như một "đại công trường" khai thác than. Nhiều quả đồi cây trước kia cao sừng sững thì giờ đây đã bị máy xúc san phẳng, đào sâu xuống lòng đất để khai thác than lộ thiên. Những lời nói của anh H như chưa thể lột tả được hết hiện trường nên anh dẫn chúng tôi ra thăm những con suối, cánh đồng lúa bị ảnh hưởng do nước thải ở bãi than. "Năng suất giờ kém lắm, 1 sào chỉ được hơn tạ lúa, có nhà còn mất trắng, chẳng thu hoạch được gì. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, nhiều hộ dân chán chường bỏ đất không muốn canh tác", anh H than thở.

Trẻ em chạy tán loạn mỗi khi thấy xe chở than đi qua.

Còn ông T, một cao niên thôn Vá (xã An Bá) ngậm ngùi khi chúng tôi hỏi chuyện. Mấy năm trước, ông thường sang thôn Lái nhặt củi ở đồi keo rồi đi săn bắt chim. Ngày hè, ông thường đưa các cháu ra suối bắt tôm, bắt cá. "Giờ thì tan hoang hết rồi. Chúng tôi lên đồi keo còn phải xin phép những người khai thác than, trẻ con sau giờ học cũng chẳng dám ra ngoài. Con đường độc đạo nối các thôn với nhau bị xe tải chở than hạng nặng tàn phá. Những ngôi nhà ven đường bị nứt toác…", ông T xót xa.

Từ "đại công trường" khai thác, chúng tôi theo dấu những chiếc xe tải chở đầy than để trần hoặc phủ bạt qua loa. Xe tải chở than chạy với tốc độ cao ngay trong khu dân cư và liên tục bóp còi để báo hiệu những nhóm học sinh đi xe đạp tránh đường. Đi khoảng 5km, các xe đến điểm tập kết nằm trên đường tỉnh lộ, rất gần UBND xã An Vá. Theo lời người dân địa phương, buổi sáng nhóm người khai thác và vận chuyển than đi từ 6h. Họ làm liên tục đến chập tối thì nghỉ. Nhóm người này có khoảng chục xe tải, mỗi xe chạy được 16 chuyến/ngày. Tính sơ sơ, mỗi ngày gần 200 lượt xe tải chở than chạy qua khu dân cư.

Anh La Văn Thái, Trưởng thôn Lái tâm sự với chúng tôi rằng, cuộc sống của người dân nơi đây đang bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng từ quá trình khai thác, vận chuyển than. Chưa kể những khối núi đất sau khi được bới lên để đào than có thể đổ sập xuống khi bão lũ về, vùi lấp thôn làng nhỏ bé…
 
"Xin các cấp có thẩm quyền đừng gia hạn nữa"

Con đường của các thôn mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở than đi qua dẫn đến xuống cấp, ô nhiễm.

Tại buổi làm việc với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: "Theo hồ sơ, khu vực khai thác than ở thôn Lái của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường. Thế nhưng mỗi đợt lại có một người phụ trách khai thác khác nhau. Trong đợt kiểm tra hồi tháng 9/2019, chúng tôi phát hiện một nhóm người với nhiều máy móc đang khai thác than tại khu vực đất lâm nghiệp của các hộ gia đình. Khi làm việc thì hai bên bảo có thỏa thuận thuê đất bằng giấy viết tay. Ngoài ra, việc khai thác cũng làm đất đá thải và nước than tràn vào ruộng gây ảnh hưởng đến hoa màu của nhân dân. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Phòng TN&MT và UBND huyện Sơn Động rồi, chứ không phải làm ngơ đâu".

Những vạt đồi có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào do bị khoét rỗng.

Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã An Bá cũng cho biết: "Về thủ tục, họ khai thác như thế là không đảm bảo. Nhưng ở góc độ địa phương, chúng tôi cũng không biết được họ khai thác có đúng chỉ giới không. Còn theo giấy phép thì đến ngày 21/11/2019 là hết hạn khai thác. Nhà tôi cũng ở xã An Vá nên ngày nào cũng chứng kiến cảnh xe tải chở than gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến giao thông và tuổi thọ của đường".

"Họ đang xin các cơ quan chức năng gia hạn giấy phép khai thác than. Nhưng nói thật, chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền đừng gia hạn. Họ khai thác kiểu này chỉ "vẽ" thêm phiền cho địa phương, tạo ra nhiều hệ lụy chứ chẳng đóng góp được gì. Người dân kêu nhiều, chúng tôi cũng "chán" lắm nhưng không biết xử lý thế nào?", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã tiếp lời.

 Kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng không có kết quả

Theo biên bản kiểm tra việc khai thác than của Tổ công tác xã An Bá ngày 4/6/2019, xã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường dừng ngay việc khai thác, di dời máy xúc và xe vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác. Thế nhưng theo người dân địa phương, sau khi biên bản lập xong, phía Công ty này vẫn khai thác than và vận chuyển như bình thường (?).

(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cư dân Thủ đô sợ hãi sống trong khu tập thể chờ sập

​ “Sống trong nhà mà cảm giác nguy hiểm hơn khi ở ngoài đường” – đó là cuộc sống hàng ngày của những cư dân sống tại khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị đổ sập.

Nguồn: Pháp luật Plus