Bài học đau xót từ các vụ cháy nhà dân

22/04/2022 06:19

Kinhte&Xahoi Tháng 4 là thời điểm bước vào cao điểm nắng nóng, hanh khô, việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, hộ kinh doanh và người dân ở những chung cư cần được chú trọng hết mức. Lực lượng chức năng cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo về những nguy cơ gây cháy, nổ mới… đặc biệt khi có những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người để lại bài học đau xót.

Hiểm hoạ tiềm ẩn

 Trên thực tế, từ những vụ cháy đã xảy ra cho thấy: Phần lớn nguyên nhân xảy ra cháy là do những bất cẩn của con người, như: sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng cách, câu mắc điện sai kỹ thuật, vận hành trang thiết bị sản xuất sai quy trình … Phần lớn những vụ cháy lớn thường do phát hiện không kịp thời, thời gian cháy tự do quá lâu, hoặc phát hiện sớm, nhưng không biết cách xử lý, thiếu phương tiện, thiếu điều kiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ, báo cháy chậm…

Với kết cấu, hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp tại một số nhà dân, tập thể cũ, nhà cao tầng cũ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn. Vụ cháy khiến 5 người tử vong, 2 người bị thương tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội vừa xảy ra sáng nay 21/4 lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo khi hậu quả từ các vụ cháy là quá lớn.

Hiểm hoạ cháy nổ tiềm ẩn tại các khu nhà ở khu dân cư, tập thể cũ... rất rõ bởi sự xuống cấp trầm trọng của loại nhà xây dựng từ lâu. Sự xuống cấp của nhà dân, tập thể, chung cư cũ kéo theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân đã càng làm cho “bà hoả” có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.

P116 B9 tập thể Kim Liên, tại ngõ 6, phố Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên nơi vừa xảy ra vụ cháy đau lòng khiến 7 người thương vong là một trong nhiều khu tập thể, chung cư cũ trên địa bàn đã sử dụng hơn chục năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng căn hộ của người dân đã tăng lên gấp nhiều lần, vì thế trở nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao bởi sự chắp vá...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khu vực xảy ra cháy, ông Nguyễn Quang Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận: "Khu vực xảy ra cháy khiến 5 người tử vong có nhiều bất cập như cơi nới chuồng cọp tại khu tập thể, lối thoát hiểm hạn chế...".

Thực tế cho thấy, hầu hết nhà dân xây dựng từ lâu, nhà tập thể, chung cư cũ đều rơi vào tình trạng không lối thoát nạn thứ hai, chuồng cọp được hàn chặt, đường điện cũ kỹ, đồ đạc chất đống khắp hành lang… Đó là nguyên nhân làm hại những người đang sinh sống tại các khu nhà cũ, chung cư, tập thể cũ khi có hoả hoạn xảy ra. Thế nhưng, đối với người dân đã gắn bó lâu dài ở những nơi này thì không có thay đổi gì khác, bởi điều kiện kinh tế eo hẹp. Chỉ có điều, quá trình sinh sống phải đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người bằng việc tự nâng cao ý thức phòng ngừa hoả hoạn.

Điều bất cập nhất tại các khu nhà dân đã xây dựng từ lâu, khu chung cư, tập thể cũ hiện nay là không đủ điều kiện PCCC nhưng cũng không thể cải tạo, khắc phục để cho cuộc sống sinh hoạt của người dân được an toàn hơn... Chính vì những lý do này đã làm cho các biện pháp an toàn PCCC tại đây chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn từ lực lượng Cảnh sát PCCC cơ sở.

Hiện trường vụ cháy tại khu vực tập thể cũ

Đã không ít lời cảnh báo và chỉ rõ tồn tại về an toàn phòng cháy chữa cháy tại những khu vực nhà ở cũ, tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội được lực lượng chức năng cảnh báo.

Theo lực lượng chức năng, lo lắng nhất tại khu vực nhà ở tập trung đông dân cư, các khu chung cư, tập thể cũ trên địa bàn hiện nay về an toàn PCCC là nơi để phương tiện của người dân. Nhiều khu nhà cũ do không có nơi để xe, nên việc trông giữ xe máy chỉ tự phát từ người dân ở tầng 1. Trong khi đó, phương tiện PCCC không đảm bảo, không đủ điều kiện nên khi xảy ra sự cố cháy là đe dọa đến tính mạng người dân. Để hạn chế cháy, nổ xảy ra, đơn vị chức năng đã thường xuyển kiểm tra, tuyên truyên nhắc nhở người dân tự nâng cao ý thức về PCCC.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Như thông tin báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh, vụ cháy xảy ra vào khoảng 1h13 ngày 21/4, căn nhà có 2 tầng 1 tum ở gần khu B9 tập thể Kim Liên, ngõ 65 phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa.

5 người tử vong, 2 người bị thương là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vụ cháy khiến dư luận muốn sớm biết nguyên nhân.

Ngay sau khi nhận tin báo cháy lực lượng chức năng đã đến dập tắt đám cháy.

Cháy lớn lúc rạng sáng khiến nhiều người ngủ say không kịp thoát nạn

Thông tin ban đầu, khi cháy, những người trong nhà đã ngủ say nên không phát hiện khói và lửa. Có 2 người thoát được ra ngoài bị thương, 5 người mắc kẹt còn lại đã tử vong.

Đến 8h ngày 21/4, hiện trường vụ cháy đã được lực lượng chức năng phong tỏa.

Theo Công an TP Hà Nội, diện tích đám cháy khoảng 10m2 (một phần diện tích tầng 1), vật tư hàng hóa thiệt hại gồm đồ dùng gia đình, xe máy... Nguyên nhân đang tiếp tục được cơ quan công an làm rõ.

Liên quan đến vụ hoả hoạn trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng có công văn hoả tốc đề nghị Công an TP làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Hiện trường vụ cháy ở khu tập thể Kim Liên

Cùng với đó, lực lượng chức năng một lần nữa đưa ra cảnh báo về thực trạng, nguy cơ cháy nổ từ những khu nhà dân xây dựng đã lâu, tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội.

Trước mắt, để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và hậu quả do cháy tại các khu vực nhà dân đã cũ, tập thể, chung cư cũ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC để nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.

Ông Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên cho biết thêm: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân để khắc phục tình trạng này. Cùng với đó sẽ mở thêm lối thoát hiểm, kiên quyết xử lý như cưỡng chế nếu có tái phạm...".

Thực tế trên cho thấy, công tác PCCC ở nhà dân xây dựng đã lâu hay các chung cư cũ, nhà tập thể còn nhiều tồn tại, bất cập. Để tránh những tai nạn, sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp ở cơ sở cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp PCCC hiệu quả. Biện pháp tối ưu hiện nay vẫn là ý thức chủ động của người dân, cùng với đó là phát huy tinh thần tự phòng ngừa cháy, nổ của đoàn thể ở khu dân cư, tổ dân phố.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, trước khi đi ngủ, người dân cần kiểm tra kỹ nguồn lửa, nhiệt như: hệ thống điện, khu vực bếp... Tuyệt đối không để xe máy, ô tô trong nhà gần lối ra vào hoặc chắn hết lối đi, khi xảy ra cháy sẽ không có lối thoát hiểm. Mỗi hộ gia đình trang bị một bình chữa cháy, một chuông báo cháy và các dụng cụ phá dỡ, phòng khi xảy ra cháy.

Hiện thực phổ biến hiện nay, khi tình trạng gia cố lồng sát, "chuồng cọp". Việc gia cố thêm diện tích, lấn chiếm sử dụng ban công đã khiến những vụ cháy xảy ra nhưng lối thoát đã bị bịt kín, dẫn đến tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, đối với các hộ dân đang sinh sống trong khu vực mịt mùng, nhà hộp, nhà ống... người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can khi ở nhà cao tầng, trường hợp đã lắp thì phải có ổ chốt trong và ổ khóa.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải tăng cường hơn nữa, tuyên truyền khuyến cáo để người dân thay đổi nhận thức, chủ động trong phòng cháy chữa cháy.

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bai-hoc-dau-xot-tu-cac-vu-chay-nha-dan-194572.html