Bán hàng online mùa dịch, không từ thủ đoạn ăn cắp

09/04/2020 16:50

Kinhte&Xahoi Việc kinh doanh trong mùa dịch đã khó khăn, nhiều người còn thường xuyên gặp phải các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ, thậm chí là ăn cắp công thức, ăn cắp hàng.

Làm bánh có tiếng từ lâu, nên chị N.B. (Q. Ba Đình, Hà Nội) có rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Nhóm học làm bánh trên Facebook của chị B cũng có rất nhiều học viên tham gia.

Đây là nơi chị B chia sẻ hình ảnh và công thức các món bánh, chè,…được nhiều người yêu thích. Nhưng cũng vì thế, nhiều đối thủ cạnh tranh đã bằng mọi cách tham gia nhóm này và ăn cắp công thức, hình ảnh đó mang về sử dụng.

Đăng nội dung nhưng "mượn" hình người khác để quảng cáo

Chị B cho biết, một số công thức làm bánh đặc biệt thì mọi người phải đóng phí mới có thể tìm được, nhưng cũng có một số món tôi chia sẻ công khai. Nhưng nhiều tiệm bánh khác lại lấy nguyên công thức và những hình ảnh, video về sản phẩm của tôi về để quảng cáo.

“Khi tôi gọi tới trực tiếp để nói chuyện thì nhiều người đã thẳng tay chặn số điện thoại và Facebook. Có người còn trắng trợn nói rằng, ảnh trên mạng thích lấy thì lấy, khiến tôi rất bực”, chị B bức xúc.

Bị ăn cắp chất xám, công sức trắng trợn như chị B không phải là hiếm. Chị Phạm Huyền (Tư Đình, Hà Nội) còn bị đối thủ lấy hình ảnh về bán hàng. Bánh chị Huyền đang bán với giá 80 nghìn đồng/cái là loại to và đầy đủ, nguyên liệu đều là loại 1.

Đầu tư nhiều công sức cho sản phẩm và hình ảnh, nhưng lại bị "cướp" trắng trợn khiến nhiều người không khỏi bức xúc

Còn người ăn cắp hình ảnh của chị chỉ bán loại bánh nhỏ, nhân rất ít, chất lượng thấp, giá chỉ khoảng 30 nghìn đồng/cái. Thế nhưng, người kia lại đăng tải ảnh bánh loại to của chị Huyền để lừa đảo khách.

Ngoài chuyện ăn cắp hình ảnh, công thức,…thì trong mùa dịch, khẩu trang là mặt hàng bị “ăn cắp” nhiều nhất.

Theo chị P.L. (Hải Phòng), từ đầu mùa dịch chị L có nhờ người thân chuyển từ trong TP Hồ Chí Minh ra cho 20 hộp khẩu trang. Thời điểm đó, một hộp khẩu trang y tế có giá lên tới 400 nghìn đồng. 

Do đó, các đối tượng vận chuyển đã lấy luôn số khẩu trang của chị L và chỉ bồi thường theo giá thị trường là 50 nghìn đồng/hộp. 

Chị Mai Anh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng trên sau khi gửi khẩu trang cho shipper giao đến cho khách. Theo đó, chị Mai Anh cho biết, shipper biết hàng giao đi là khẩu trang và đã thanh toán tiền. Sau khi giao hàng đến nơi sẽ nhận lại tiền hàng và tiền vận chuyển từ khách.

Một số shipper còn chặn hàng của người bán để kiếm lời (Ảnh minh hoạ)

“Nhưng người vận chuyển đã biết giá trị của những hộp khẩu trang đó rẻ hơn giá thị trường nhiều. Nảy sinh lòng tham, họ đã không giao cho khách mà mang về bán kiếm lời chênh lệch”, chị Mai Anh bức xúc cho biết.

Do đó, những đơn hàng sau, chị đều phải tự mình đi giao để tránh tình trạng mất hàng, mất uy tín với khách.

Hết ăn cắp hàng hoá, các đối thủ còn vào “ăn cắp” khách của nhau. Theo đó, khi một cửa hàng đăng đồ ăn lên thì khách sẽ vào bình luận. Ngay lập tức, đối thủ cạnh tranh sẽ vào gọi điện hoặc nhắn tin xin địa chỉ của khách để giao hàng tới trước.

Đây là một kiểu làm ăn phổ biến trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Đối tượng là các quán ăn hoặc người bán đông khách.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn ủy thác giúp người nghèo vượt khó

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/ban-hang-online-mua-dich-khong-tu-thu-doan-an-cap-d121513.html