Bản lĩnh, tự tin trong thời điểm thử thách chống Covid-19

09/03/2020 11:34

Kinhte&Xahoi Những ngày tạm thời yên ắng giữa mối lo dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đã bị gián đoạn bởi những ca nhiễm bệnh mới được phát hiện ở Hà Nội. Thử thách đã xuất hiện, đòi hỏi sự tự tin và bản lĩnh trong giai đoạn mới của “cuộc chiến” với Covid-19.

Lực lượng chức năng tiến hành khử trùng phố Trúc Bạch, Hà Nội  Ảnh: Lam Thanh

Không có lý do phải lo lắng, hoảng loạn

Giai đoạn chống dịch mới của Hà Nội đã bắt đầu nhưng đây không phải là điều bất ngờ. Các chuyên gia y tế đã dự báo rằng, khi tâm dịch Covid-19 duy nhất là Vũ Hán, Trung Quốc, không còn bởi sự xuất hiện của hàng loạt tâm dịch khác trên thế giới như Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản…, bất cứ lúc nào các ca nhiễm bệnh mới cũng có thể xuất hiện. 

Trong bối cảnh “cánh cửa” chặn dịch đang hẹp lại, Việt Nam đã chủ động ứng phó. Việc chủ yếu tập trung vào ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua kiểm soát chặt chẽ đường biên, cửa khẩu, sân bay… của giai đoạn trước đã được mở rộng sang yêu cầu phát hiện sớm các ca nhiễm ngay tại cơ sở, trong cộng đồng để kịp thời điều trị, khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Định hướng sớm trên cùng sự chủ động trong công tác chuẩn bị đã giúp Hà Nội không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong ứng phó khi ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) thứ 17 ở Việt Nam bất ngờ xuất hiện hôm 6-3. Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc, tập trung xuyên đêm nên chỉ trong vòng 9 giờ đã xác định và làm rõ số người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân mới này.

Chính vì thế, không có lý do gì phải hoảng loạn, lo lắng quá mức trước diễn biến mới của dịch bệnh. Việc người dân đổ xô đi mua hàng, tích trữ đồ ăn là không cần thiết mà chỉ khiến siêu thị trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát, lây lan bệnh. Nếu tất cả bình tĩnh, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát thực phẩm. 

Hơn nữa, người dân cũng cần bình tĩnh suy xét, không nên tự ý dời bỏ công việc để về quê tránh trú, dẫn tới công việc bị đình trệ, ứ đọng, ảnh hưởng tới xã hội. Giải pháp lúc này là mỗi người dân, mỗi gia đình thực hiện nghiêm các khuyến cáo từ Bộ Y tế: Hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tự chăm sóc nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình, theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh hoang mang. 

Với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, đây là lúc “thử thách bản lĩnh của chúng ta, bản lĩnh của người đứng đầu chính quyền các cấp và cơ sở. Chúng ta cần phải sáng suốt và thận trọng với tinh thần nâng cấp độ cảnh báo và cảnh giác lên một mức. Chúng ta phải có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng, với người dân, sự an toàn của Thủ đô và cả nước”.

Minh bạch thông tin, xử lý nghiêm việc tung tin, đồn nhảm

Kinh nghiệm chống dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy biện pháp hữu hiệu nhất là “phát hiện rồi cách ly”. Trường hợp của Hàn Quốc là bài học đắt giá mà thế giới từng chứng kiến. Chính việc từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành cách ly của bệnh nhân “siêu lây nhiễm” Covid-19 ở thành phố Daegu đã khiến Hàn Quốc “vỡ trận”, biến thành “tâm dịch” lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Chỉ vì nhận thức sai lệch, ích kỷ của một cá nhân mà nay cả một thành phố tê liệt, cả một đất nước phải oằn mình chống dịch.

Với Việt Nam, cả nước từng lo lắng khi 16 người được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, rồi việc cả xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) bị phong tỏa. Thế nhưng, chính nhờ thực hiện nghiêm phương châm “phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để” đã giúp Việt Nam thành công. Tất cả 16 bệnh nhân đều được xuất viện với kết quả âm tính, khỏe mạnh về với gia đình và lệnh phong tỏa Sơn Lôi đã được dỡ bỏ. Đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam đủ trình độ và khả năng để khống chế dịch Covid-19 hiệu quả.

Trách nhiệm của mỗi cá nhân khi nghi nhiễm bệnh là phải khai báo và thực hiện nghiêm việc cách ly. Bên cạnh quyền lợi của bản thân thì đây còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng. Với mức độ lây lan cấp số nhân của virus SARS-CoV-2, một người không nhận thức và thực hiện tốt việc cách ly sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. Chủ quan, vô ý thức, làm lây lan dịch bệnh, xét dưới góc độ đạo đức, là hành vi coi thường tính mạng của người thân và cộng đồng. Về mặt pháp luật, hành động này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh đã giúp người dân yên tâm, tránh hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều người thay vì tiếp cận nguồn tin chính thống, đã dễ dàng tiếp nhận thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, những tin giật gân, câu khách, thiếu chuẩn xác... Những tin đồn thất thiệt, sai lệch như vậy từng gây ra hậu quả khôn lường trong nhiều trường hợp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công an thành phố làm rõ và xử lý nghiêm những trường hợp tung tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận, thậm chí có những trường hợp có thể coi như hành vi gây rối để lập hồ sơ truy tố trước pháp luật. Mỗi người dân cần bình tĩnh để biết tự bảo vệ bản thân trước những tin đồn trên mạng. Trong khi chờ vaccine đặc trị SARS-CoV-2 ra đời, vaccine hiệu quả nhất hiện tại là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước bản thân và cộng đồng.

 Lực lượng chức năng tiến hành cách ly 1 phần khu vực phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội)

Với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, đây là lúc “thử thách bản lĩnh của chúng ta, bản lĩnh của người đứng đầu các cấp và cơ sở. Chúng ta cần phải sáng suốt và thận trọng với tinh thần nâng cấp độ cảnh báo và cảnh giác lên một mức. Chúng ta phải có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng, với người dân, sự an toàn của Thủ đô và cả nước”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Nguy cơ lây nhiễm đối với những người ngồi cùng chuyến bay, những người trong gia đình, hàng xóm và những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid19 sẽ ở mức độ nào? Bộ Y tế đã giải đáp chi tiết trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 - cũng nhận xét: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ban-linh-tu-tin-trong-thoi-diem-thu-thach-chong-covid19/845662.antd