Bệnh đậu mùa khỉ không đáng lo như dịch COVID-19

27/05/2022 19:05

Kinhte&Xahoi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới, kêu gọi các nước tăng cường giám sát dịch bệnh.

Sẽ không bùng phát mạnh như dịch COVID-19

 Bệnh đậu mùa khỉ được biết đến từ hơn 40 năm trước, là một loại bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người.

Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được các chuyên gia của Đan Mạch phát hiện trên loài khỉ (macaques) từ năm 1958.

Khoảng 12 năm sau, những trường hợp đầu tiên trên người được phát hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo ở Tây Phi.

Trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này, Anh là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc ngày 7/5. Anh đã phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng mà không có yếu tố liên quan đến khu vực Tây Phi, nơi được cho là nguồn gốc của căn bệnh này. Tính đến ngày 26/5, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh đã tăng lên hơn 70 người.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người

Sau đó, bệnh đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ như Australia, Bỉ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển.... dấy lên nhiều lo ngại về đợt bùng phát dịch nguy hiểm. Điều đáng nói là các nước này trước đó chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế thế giới đã có những thông tin chi tiết giúp người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh này và cách phòng tránh.

Tiến sĩ Rosamund Lewis, trưởng bộ phận phòng bệnh đậu mùa thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nêu rõ "bệnh đậu mùa khỉ không giống như bệnh COVID-19".

Khả năng lây lan bệnh đậu mùa ít hơn nhiều so với COVID-19. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh đậu mùa khỉ kể từ khi phát hiện căn bệnh này ở người cách đây hơn 50 năm. Bệnh này tương tự bệnh đậu mùa, có nghĩa là có thể phòng chống được bằng các biện pháp phòng chống đậu mùa.

Hiện các nhà khoa học đã hiểu biết về cách lây lan bệnh đậu mùa khỉ, và cách lây nhiễm bệnh này khác COVID-19.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó, virus gây bệnh COVID-19 rất dễ lây lan, có thể chỉ qua nói chuyện, cùng ở trong một phòng hoặc một số trường hợp hiếm gặp là sử dụng phòng mà người mắc COVID-19 đã từng ở.

Tăng cường giám sát để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

 Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Sierra Leone, Nam Sudan...

Cũng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tuy nước ta chưa có bệnh đậu mùa khỉ nhưng cần cách giác và tránh hoang mang lo sợ quá mức. Việc cảnh giác và phòng bệnh là hết sức cần thiết. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám bệnh và cách ly.

Ngoài ra, cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín, chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.

Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể sau 5-21 ngày nhiễm bệnh.

Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác. Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành.

Bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Theo WHO, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.

Các vết phát ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt.

Phát ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Do đó, khi gặp các triệu chứng trên cần tư vấn với cán bộ y tế. 

 Phương Thu - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Vinh danh vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu đạt thành tích cao tại SEA Games 31

Sáng 27-5, tại Hội trường Thành ủy Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) Hà Nội đạt thành tích tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và hội nghị tổng kết, khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác tổ chức phục vụ SEA Games 31.

Hà Nội tuyên dương 700 học sinh giỏi tiêu biểu

Ngày 24-5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2021-2022. 700 học sinh giỏi tiêu biểu, đại diện cho hơn 2,2 triệu học sinh các cấp học thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh dự có mặt tại buổi lễ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/benh-dau-mua-khi-khong-dang-lo-nhu-dich-covid-19-197501.html