Biện pháp bền vững phòng, chống sốt xuất huyết là diệt bọ gậy

21/08/2023 12:34

Kinhte&Xahoi Dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và có nhiều diễn biến khác với những năm trước. Hà Nội đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của dịch bệnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

- Xin ông cho biết, diễn biến tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay trên địa bàn Hà Nội có khác biệt gì so với mọi năm?

- Từ trước năm 2010, sốt xuất huyết thường có chu kỳ dịch rất rõ là cứ 5 năm/lần. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây thì chu kỳ của dịch bệnh này cũng thay đổi. Cụ thể là các năm: 2014, 2015, 2017, 2019, 2022, dịch bệnh đều có sự gia tăng. Riêng năm 2017, dịch bùng phát mạnh với khoảng 37.000 ca mắc và đã ghi nhận những ca tử vong. Năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn. Năm 2022, dịch bắt đầu gia tăng từ tháng 8. Thế nhưng, năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng. Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Năm nay, Hà Nội ghi nhận 2 týp lưu hành là DEN-1 và DEN-2. Nếu có 1 týp lưu hành thì nguy cơ mắc bệnh chỉ có 1 lần nhưng với 2 týp nghĩa là nguy cơ mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng sẽ gia tăng gấp đôi. Thêm vào đó, những năm trước, dịch bệnh tập trung ở các quận nội thành, dân số đông như: Hoàng Mai, Đống Đa, nhưng năm nay lại tập trung ở vùng ven, ở những huyện ngoại thành như: Thạch Thất, Hoài Đức, Thường Tín… Dự báo, đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9, 10.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn.

- Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết không còn tuân theo quy luật?

Dịch bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm liên quan đến khí hậu và thời tiết. Chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng của El Nino vào năm 2014 và kéo dài trong suốt năm 2015 đến năm 2016. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Do đó, năm 2015, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng với hơn 15.400 ca mắc. Đến năm 2017, chúng ta tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết với khoảng 37.000 ca mắc, trong đó có những ca tử vong. Năm nay cũng là năm ảnh hưởng của El nino.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Mặt khác, ở những khu vực ngoại thành, nơi có các làng nghề, khu vực dân cư đông, nhiều người đến thuê trọ… phát sinh nhiều rác thải, môi trường ô nhiễm và thói quen tích trữ nước của người dân đã kéo theo các ổ bọ gậy làm phát sinh dịch bệnh.

- Mỗi một đợt dịch bùng phát, ngành Y tế Thủ đô lại phải đối mặt với không ít khó khăn. Vậy, khó khăn chống dịch sốt xuất huyết của năm nay là gì, thưa ông?

- Dù sốt xuất huyết là dịch bệnh rất cũ nhưng mỗi đợt dịch bùng phát lại có những khó khăn riêng. Khó khăn vất vả nhất trong đợt dịch này là việc xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết tại các khu vực làng nghề. Bởi vì kể cả khi dịch bùng phát, người dân nơi đây chỉ biết tập trung vào làm nghề. Thu nhập một ngày công lao động lên tới 1-2 triệu/người nên họ không quan tâm đến việc phòng, chống dịch. Chúng tôi đã trao đổi với nhiều người dân ở đây và được họ cho biết, nếu bị bệnh họ tự đi điều trị.

Ngay tại ở ổ dịch có nhiều người mắc nhất tại Hà Nội hiện nay là xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), gần như 100% bệnh nhân bị sốt xuất huyết họ sẽ đến thẳng bệnh viện tư, không cần vào bệnh viện công, không qua trạm y tế dẫn đến không thể giám sát bệnh nhân từ sớm và xử lý ổ dịch từ sớm. Trong khi nếu không xử lý ổ dịch sốt xuất huyết từ 3 ngày đầu, mà để qua ngày thứ 5 thì ổ dịch sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì thành 20-30 bệnh nhân là rất nhanh. Vì vậy, chúng ta cần phải phát hiện sớm bệnh nhân để xử lý triệt để trong 3-5 ngày đầu thì mới có hiệu quả. Thực tế, tại xã Phùng Xá là một ví dụ điển hình, đến nay gần 3 tháng chưa chấm dứt được ổ dịch. Mà ổ dịch sốt xuất huyết 3 tháng chưa dập được là rất nguy hiểm.

Ngoài các làng nghề, khu vực phòng, chống dịch thứ hai gặp khó khăn, đó là khu vực đông dân cư - nơi học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh đến thuê trọ nhiều. Bởi vì khi lực lượng đi xử lý bọ gậy hay phun hóa chất đến nhà thì là lúc sinh viên, người lao động đi học, đi làm. Chủ cho thuê trọ họ lại ở nơi khác nên không thể mở cửa để chúng tôi đến phun hóa chất hay diệt bọ gậy được.

Người dân quận Long Biên vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết.

- Theo ông, do đặc điểm dân cư vùng ngoại thành và nội thành nên biện pháp chống dịch ở mỗi nơi có khác nhau hay không?

-Hiện nay, biện pháp phòng, chống dịch vẫn là diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Với biện pháp diệt bọ gậy, một là áp dụng cách thức cơ học, loại bỏ các ổ bọ gậy ở tất cả các dụng cụ có chứa nước như lật úp, cất đi hoặc loại bỏ những vật dụng có nước mưa và nước đọng lại. Hai là phương pháp sinh học như thả cá vào bể chứa nước hay các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Đây là cách làm rất hiệu quả. Chẳng hạn như năm 2022, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) là 1 ổ dịch sốt xuất huyết kéo dài trên 5 tháng.

Rút kinh nghiệm, năm nay, ngay từ đầu mùa dịch, huyện Thanh Oai đã chỉ đạo tất cả các xã chủ động mua cá từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về phát cho các hộ gia đình để thả vào bể nước. Kết quả là năm nay, xã Phương Trung chưa có bệnh nhân và chưa có ổ dịch sốt xuất huyết. Do đó, đối với khu vực ngoại thành - nơi hay sử dụng bể chứa nước, chúng tôi vẫn nhấn mạnh biện pháp thả cá đối với khu vực ngoại thành là rất quan trọng. Còn đối với khu vực nội thành, ổ bọ gậy vẫn phát sinh chủ yếu ở những chậu hoa, cây cảnh, các bình hoa, lọ hoa và các dụng cụ có chứa nước ở chính trong mỗi ngôi nhà. Chính vì vậy, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần có hướng dẫn phòng, chống dịch cụ thể đối với các xã, phường, thị trấn.

- Như ông vừa phân tích, nâng cao ý thức phát hiện và diệt bọ gậy ở người dân chính là biện pháp hữu hiệu phòng, tránh sốt xuất huyết?

- Đúng vậy! Diệt bọ gậy mới chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Chính vì vậy, phải tuyên truyền, vận động làm sao người dân tự giác diệt bọ gậy mới hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hằng ngày, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chỉ cần dành 3-5 phút cho việc diệt bọ gậy trong và xung quanh gia đình nhà mình. Hơn nữa, người dân cần thực hiện nghiêm túc các đề nghị của đoàn y tế, chính quyền địa phương trong khi đi dập dịch, cụ thể: mở cửa cho cán bộ y tế, tổ trưởng, dân phòng, cộng tác viên y tế vào hướng dẫn phát hiện và diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/bien-phap-ben-vung-phong-chong-sot-xuat-huyet-la-diet-bo-gay-638704.html