Bộ Công thương, Bộ Tài chính nêu giải pháp bình ổn giá phân bón

10/11/2021 10:35

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, giá phân bón tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, do nhập khẩu và chi phí vận tải logistics do giãn cách xã hội tăng cao.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 8-9/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Đối với giải pháp bình ổn phân bón và vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra rằng, đây là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhập khẩu và chi phí vận tải logistics do giãn cách xã hội tăng cao. Mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng làm tăng giá thành sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT, giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Giá phân bón trong nước đang tăng cao. Ảnh minh họa, nguồn Báo Nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, những quan tâm, đóng góp của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đối với ngành công thương sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu và có những giải pháp khắc phục kịp thời, phù hợp; đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác của của ngành, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cùng bàn luận về nội dung thuế phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính đã trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, sẽ hoàn thiện cùng với hoàn thiện Luật thuế, bởi hiện nay thuế 0%, nên doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại do không được hưởng hoàn thuế đầu vào. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu tham mưu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón lên 5%.

 Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đặt mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh lớn trong trường học

Liên Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch liên ngành thực hiện công tác y tế trường học năm học 2021-2022. Mục tiêu của kế hoạch nhằm củng cố nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên; phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là dịch Covid-19 để xử lý kịp thời, triệt để; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội: Gần 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng khó khăn

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến 8/11, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của Thành phố và huy động xã hội hoá để hỗ trợ tiền mặt và cho vay 4,66 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 4.936,118 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/bo-cong-thuong-bo-tai-chinh-neu-giai-phap-binh-on-gia-phan-bon-d170396.html