Bộ Giáo dục đã tiêu bao nhiêu tiền để làm sách giáo khoa?

06/11/2020 11:08

Kinhte&Xahoi Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, khoản 16,5 triệu USD vay làm sách giáo khoa mới chưa dùng đến; Bộ cũng đang tính trả lại Chính phủ một số khoản…

Chưa "đụng" đến khoản vay WB

Bước vào nội dung chất vấn trực tiếp sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để lên khái toán cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục đã tiêu bao nhiêu tiền từ nguồn vay Ngân hàng thế giới (WB) để xây dựng chương trình, làm bộ sách giáo khoa và tập huấn giáo viên?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn về việc sử dụng khoản tiền xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới với dự kiến 70% vốn đi vay.

Việc biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng khẳng định, vì Bộ không đứng ra làm một bộ sách “chuẩn” nên không dùng đến khoản tiền vay 16,5 triệu USD nữa; hiện số tiền vẫn trong tài khoản của WB.

Về tiến độ giải ngân khoản vốn đã được duyệt, Bộ trưởng cho biết, ngành cố gắng trong năm nay tiêu được 12 triệu USD, tức hơn 200 tỷ đồng. Vừa qua, rà soát những chi phí không cần thiết, tiết kiệm từ việc tập huấn giáo viên, số tiền thừa ra, Bộ dự kiến trả lại Chính phủ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định khoản tiền 16,5 triệu USD vay WB để làm sách giáo khoa vẫn còn nguyên, chưa "đụng" đến.

Diện tích rừng thấp do tỷ lệ lãnh thổ, tỷ lệ dân số?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu vấn đề, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đến nay đã đạt tỷ lệ 42%, ở mức cao so với trung bình thế giới. Nhưng nhìn trên Google map thấy chất lượng rừng của Việt Nam rất hạn chế so với các nước lân cận. Bộ trưởng giải thích thế nào về việc này?

Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định, việc theo dõi trên bản đồ của đại biểu hoàn toàn chính xác vì diện tích rừng của Lào, Campuchia đều trên 50%, cao hơn Việt Nam nên nhìn sẽ thấy rừng phủ xanh hơn trên lãnh thổ của Việt Nam.

Để bảo vệ rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng, tất cả các dự án có sử dụng diện tích rừng tự nhiên đều phải xem xét đặc biệt chặt chẽ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường giải thích nhìn trên bản đồ Google, rừng ở Việt Nam kém xanh hơn Campuchia, Lào.

Về chất lượng rừng, theo Bộ trường, cơ cấu cây trồng giờ chủ yếu là keo, sinh trưởng nhanh nhưng giá trị chống thiên tai, bão lũ kém nên giờ cần tính việc thay thế loại cây gỗ để trồng, cố gắng tăng chất lượng rừng.

Biện pháp khác là tăng cường quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là xử lý hình sự. Năm 2019 đã xử lý hình sự hơn 300 vụ việc nhưng tỷ lệ này, theo Bộ trưởng vẫn còn thấp vì trong năm vẫn còn hàng nghìn ha rừng bị mất (trong đó nguyên nhân lớn nhất là do cháy rừng).

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng trả lời thẳng vào nguyên nhân vì sao diện tích rừng ở Việt Nam vẫn thấp hơn các nước xung quanh.

Bộ trưởng giải thích, đó là do diện tích rừng tính trên tỷ lệ lãnh thổ, tỷ lệ dân số của Lào, Campuchia vốn đã cao hơn Việt Nam.

Mở rộng vấn đề, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) dẫn báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao nêu số liệu có 2.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện thời gian qua, với hơn 300 chủ thể vi phạm khác nhau, nhiều vụ nghiêm trọng nhưng đến nay chưa truy tố với pháp nhân vi phạm nào. Ông Hiển băn khoăn về nguyên nhân của việc này?

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí bình luận, câu hỏi này khiến cơ quan bảo vệ pháp luật và người làm luật phải suy nghĩ. Trước hết, theo quy định, các hành vi phải có định lượng cụ thể, vi phạm đến mức nào mới khởi tố hình sự. Thêm nữa, nhiều tội danh, phải qua những lần xử lý hành chính trước đó xong mới chuyển sang xử lý hình sự được.

Ngoài ra, ông Trí nói, hầu hết các vụ việc truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng với cá nhân, với người đứng đầu tổ chức, đơn vị thay vì áp trách nhiệm với pháp nhân.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, vấn đề đại biểu đặt ra có nhiều lý do, có cả về pháp luật và cán bộ thực hiện, thi hành pháp luật.

 Phương Thảo - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-giao-duc-da-tieu-bao-nhieu-tien-de-lam-sach-giao-khoa-20201106104031685.htm