Bộ Giao thông Vận tải: Vi phạm tải trọng xe có chiều hướng phức tạp

01/03/2022 10:06

Kinhte&Xahoi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, trong tháng 2/2022, trên toàn quốc xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 620 người, bị thương 661 người. So với tháng cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 189 vụ (15,75%), giảm 30 người chết (4,62%), giảm 224 người bị thương (25,31%).

Vi phạm tải trọng xe đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương có dự án giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, các tiêu chí về TNGT tiếp tục được kéo giảm, nhất là mức giảm về số người chết do TNGT trong 2 tháng đầu năm, cho thấy kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu cả năm. Tuy vậy, ông Hùng cũng tỏ ra lo lắng khi vi phạm tải trọng xe đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương có dự án giao thông.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu, Giám đốc các BQL dự án, các chủ đầu tư phụ trách các dự án đầu tư cần chỉ đạo các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định tải trọng xe trên đường dân sinh, kịp thời ngăn chặn nguy cơ TNGT nghiêm trọng.

Dự báo, từ tháng 3/2022, lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao khi hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại, cộng với tâm lý e ngại đi phương tiện giao thông công cộng của người dân, Ủy ban ATGT Quốc gia đang chuẩn bị tổ chức truyền thông vận động người dân tăng cường dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC), kéo giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến cao tốc và quốc lộ khi lượng phương tiện tham gia giao thông tăng.

* Liên quan lĩnh vực, Bộ GTVT cũng vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư triển khai nhiều giải pháp chống gian lận, thất thoát doanh thu dự án BOT.

Bộ GTVT cho biết, qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại một số trạm thu phí BOT cho thấy, vẫn còn xảy ra một số tồn tại như: Chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ GTVT; chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định; miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đúng đối tượng.

Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và của hợp đồng dự án với việc quản lý thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình, dự án. Nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, sự cố, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí. Tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong thu phí.

Các nhà đầu tư BOT cũng phải chấp hành và triển khai công nghệ thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu. Đối với Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao với các dự án BOT được giao quản lý; cũng như chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường Trung ương quản lý.

Tổng cục Đường bộ quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng thu, dừng thu khi phát hiện nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vi phạm quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật.

 C. Bản - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Các trường ở 74 xã, phường đổi màu cam chuyển sang dạy học trực tuyến

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có thông báo gửi Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường THPT; Giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-giao-thong-van-tai-vi-pham-tai-trong-xe-co-chieu-huong-phuc-tap-d177343.html