Bố mẹ phải làm gì khi Gen Z có cá tính mạnh mẽ?

04/10/2022 09:32

Kinhte&Xahoi Nhiều Gen Z khiến phụ huynh cảm thấy đau đầu vì những suy nghĩ và hành động có phần đi ngược so với các thế hệ trước của bố mẹ. Việc trở thành người bạn của con dường như là thách thức không nhỏ đối với không ít phụ huynh hiện nay.

Sinh ra trong thời đại công nghệ số phát triển, thế hệ Gen Z luôn mang màu sắc riêng với những tính cách nổi bật, lối suy nghĩ cởi mở, họ tự tin hiểu rõ bản thân, khác hẳn so với những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, cái tôi mạnh mẽ của thế hệ này đôi khi cũng khiến cho nhiều bậc phụ huynh ngán ngẩm than phiền.

Khi con chỉ làm những điều mình muốn

 Thành Trung (Quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ về việc gia đình không ủng hộ mình theo đuổi công việc mà bản thân mơ ước, “Bố mẹ khi biết mình mong muốn theo ngành Công nghệ thông tin thì phản đối kịch liệt, bởi bố mẹ định hướng cho mình làm việc trong môi trường nhà nước. Bầu không khí trong gia đình lúc nào cũng căng thẳng mỗi khi đề cập đến nguyện vọng của mình”.

Dù đã chứng minh cho gia đình thấy được tiềm năng của ngành Công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, nhưng phụ huynh của Thành Trung lại lo ngại và yêu cầu anh chuyển hướng khi Trung “nhảy việc” liên tục.

“Khi mới ra trường, mình từng làm thực tập ở một công ty với mức lương chỉ 2 triệu đồng/tháng. Đổi lại, mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, tuy nhiên, hiện tại mình sẽ chọn rời đi khi bản thân nhận được mức lương tốt hơn, xứng đáng với năng lực, công sức của mình bỏ ra”, Trung cho biết.

Anh cũng hiểu rằng bố mẹ muốn con cái có một công việc phù hợp, lương cao và dành thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng một “lộ trình ổn định” như vậy lại không có sức hấp dẫn với Thành Trung. “Mình có kế hoạch phát triển bản thân trong giai đoạn đi làm nhất định và môi trường tốt để làm việc là rất cần thiết. Mình tin rằng khi chứng minh được năng lực của bản thân thì bố mẹ cũng hiểu và tôn trọng quyết định của mình hơn”, Thành Trung nói.

Thế hệ Gen Z hứa hẹn bùng nổ và tạo đột phá trong kỷ nguyên số 4.0 (ảnh minh hoạ)

Lệ Thanh (23 tuổi, quận Ba Đình) cho rằng khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và cô bạn lớn dần là do có những quan điểm khác nhau. Việc bố mẹ kể những câu chuyện ngày xưa khiến Thanh cảm thấy mệt mỏi và càng muốn được thể hiện “cái tôi” của bản thân mạnh mẽ hơn. Vì vậy, luôn có những bất đồng quan điểm giữa bố mẹ và Lê Thanh từ đầu tóc, cách ăn mặc cho đến cách ứng xử, thái độ sống.

Không khí trong gia đình Thanh trở nên gay gắt hơn khi cô quyết định “Nam tiến”, mở rộng cơ hội trong công việc. Bố mẹ của cô cho rằng cuộc sống một mình ở thành phố xa lạ là vô cùng nguy hiểm nên quyết liệt ngăn cản Thanh. “Mình mất thời gian dài để thuyết phục gia đình với lời hứa thường xuyên liên lạc với họ. Ban đầu, bố mẹ mình một mực phản đối nhưng rồi chính những sắp xếp công việc và cuộc sống khi còn ở nhà cũng giúp bố mẹ tin tưởng hơn để mình làm những gì bản thân muốn”, Thanh chia sẻ.

Cá nhân Thanh nghĩ rằng rời xa gia đình là cơ hội cho cô học cách sống độc lập hơn. Dù vậy, không ít lần cô gái trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi sống một mình nơi đất khách, để rồi cô bạn nhận ra: “Những lúc phải một mình đối mặt với khó khăn, phải tự giải quyết những vướng mắc của cuộc sống, mình biết quý trọng những lúc được bố mẹ chăm sóc, quan tâm”.

Cần đồng cảm và thấu hiểu

 Với những cá tính nổi trội, không ít Gen Z khiến bố mẹ phải đau đầu. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, các bạn trẻ đang cần sự đồng hành và thấu hiểu từ gia đình để có thể phát huy thế mạnh và năng lực của bản thân.

Được thừa hưởng thành quả của sự phát triển công nghệ và mức sống ngày càng cao, khiến Gen Z cũng phải đối mặt với những áp lực vô hình, trong đó có “vượt sướng” và sự kỳ vọng của cha mẹ. “Việc phụ huynh trở thành người bạn lắng nghe, chia sẻ với con là hết sức cần thiết, chỉ khi thấu hiểu được tâm tư của con, bố mẹ mới có thể giúp các bạn trẻ Gen Z tự tin làm điều mình muốn”, Lệ Thanh chia sẻ.

Để không còn khoảng cách thế hệ, phụ huynh cần tôn trọng sở thích cá nhân và quyết định của con

Cũng có ý kiến cho rằng, bố mẹ luôn mong những điều tốt nhất cho con cái, nhưng đôi khi họ cũng gặp không ít khó khăn trong việc rút ngắn khoảng cách thế hệ. Vỉ thế, để Gen Z thoải mái chia sẻ tâm tư, các bậc phụ huynh cần học cách chấp nhận cá tính của con bởi môi trường sống, sự giáo dục và sự ảnh hưởng xã hội hiện nay khác trước rất nhiều.

“Mình nghĩ Gen Z lớn lên trong hoàn cảnh khác biệt so với thế hệ trước, có nhiều vấn đề phải đối mặt hơn. Các bậc làm cha mẹ hãy đồng hành cùng Gen Z như một người bạn, tôn trọng quyết định của các bạn trẻ thay vì coi họ mãi là trẻ con. Ngược lại, Gen Z cá tính mạnh mẽ nhưng phải tôn trọng những giá trị chung của xã hội, cá tính phải có giới hạn. Các bạn trẻ cũng cần học cách chia sẻ và tập thấu hiểu bố mẹ của mình”, Thành An, sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngân hàng nêu quan điểm.

Có nhiều bạn trẻ Gen Z hay ngại ngùng, trầm tính, không quen biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân nhưng Gen Z nên thành thật với bố mẹ. Bởi qua nhiều vấp váp trong cuộc sống, các bạn sẽ nhận ra một điều, dù có ra sao, thì bố mẹ luôn là người bạn đáng tin cậy để tâm sự bất cứ chuyện gì và sau tất cả những vấp ngã đó, bố mẹ mới chính là người dang tay ôm bạn vào lòng để cùng đau khổ và cùng sẻ chia với bạn.

Để bố mẹ gần và Gen Z gần nhau hơn, Hoàng Anh, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: “Nhiều bạn trẻ mải mê với công việc mà quên mất việc giản đơn như hỏi thăm bố mẹ chúng ta hàng ngày. Vì vậy mà Gen Z cần dành thời gian cho gia đình, có thể nói chuyện và tâm sự nhiều hơn sẽ hạn chế được sự khác biệt về quan điểm giữa hai thế hệ”.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Sẵn sàng thông xe hầm chui Lê Văn Lương

Sau 2 năm thi công, vượt qua nhiều khó khăn, hầm chui Lê Văn Lương đã bước vào những công đoạn hoàn thiện cuối cùng, sẵn sàng thông xe trong ít ngày tới. Khi đưa vào khai thác sử dụng, hầm chui được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và tuyến đường lân cận.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-me-phai-lam-gi-khi-gen-z-co-ca-tinh-manh-me-207192.html