Hình ảnh trong bộ phim “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”.
Bộ phim lần đầu tiên được công chiếu
Bộ phim “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách” của đạo diễn Gérard Guillaume (Pháp), sản xuất năm 1973, bản quyền phim thuộc cơ quan Ciné-Archives (Thư viện Phim ảnh của Đảng Cộng sản Pháp) đã được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nghiên cứu, lựa chọn và mua bản quyền sử dụng bản sao để giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và đông đảo công chúng Việt Nam có thêm một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng giành độc lập, thống nhất đất nước. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” đang được Cục triển khai.
Bộ phim “Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách” lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam, có thời lượng 58 phút, tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ việc Người tham dự Đại hội Tours năm 1920, đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Thông qua nội dung bộ phim, chúng ta có thể thấy được quá trình thay đổi nhận thức, tư tưởng đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quyết định mang tính lịch sử của Người để thực hiện mục tiêu giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước. Phim được phát sóng buổi đầu tiên trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào 20 giờ 10 phút ngày 15/5.
Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cho biết, đây là bộ phim quý, có nhiều thông tin, hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Tượng “Chân dung Bác Hồ”. Tác phẩm của bà Nguyễn Thị Kim, nữ họa sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam được trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1946.
Thông qua nội dung bộ phim, chúng ta có thể thấy được quá trình thay đổi nhận thức, tư tưởng đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quyết định mang tính lịch sử của Người để thực hiện mục tiêu giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước.
Trong phim sử dụng nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ và phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh bản Di chúc của Người, kêu gọi nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng và duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản.
Được biết, Gérard Guillaume - đạo diễn bộ phim cũng là đạo diễn của nhiều phim tài liệu, phóng sự về Việt Nam như: phim tài liệu “Thế giới của Khoa” phản ánh về cái nhìn của một đứa trẻ đến từ Đồng bằng sông Hồng về cuộc chiến tại miền Bắc Việt Nam - bộ phim đã mang về cho ông giải thưởng Paul Vaillant-Couturier; phóng sự “Những con đường dẫn đến chiến thắng”; phóng sự về cuộc điều tra của Jane Fonda về những ảnh hưởng của các vụ thả bom của Mỹ…
Gần 200 tài liệu, hiện vật đặc sắc về Bác
Sáng 17/5/2019, lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Với gần 200 tài liệu, hiện vật, ảnh tiêu biểu được lựa chọn, thể hiện ở 2 nội dung: Hồ Chí Minh - trọn đời vì nước vì dân và Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại.
Trưng bày thể hiện các giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và sau khi đất nước giành được độc lập: hoạt động phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, suốt cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân.
Những hiện vật tiêu biểu gồm có bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hoặc đánh máy trên nhiều loại giấy khác nhau. Trong đó, có một số hiện vật là Bảo vật quốc gia như: sách "Đường Kách mệnh”, tác phẩm “Ngục trung nhật ký”, bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Ngoài ra, còn có những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: vali, bát đũa, nồi cơm, hòn đá, quần áo, máy chữ... thể hiện cuộc sống giản dị mà rất gần gũi với nhân dân của người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Những món quà tặng của nhân dân Việt Nam như: Áo, cờ thi đua, bức vẽ, thêu, ấm chén, túi, khăn đội đầu, vòng, quả còn... hay quà tặng của chính phủ, nhân dân thế giới: Lục bình, tượng gỗ, bộ đồ ăn bằng bạc, bình đựng rượu, mô hình tháp Epphen... thể hiện tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, bộ phim và triển lãm góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, chí công vô tư của một người cộng sản. Qua đó, nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của thế hệ hôm nay, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Pháp luật Plus