Bộ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu

30/08/2022 20:55

Kinhte&Xahoi Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu.

Không có tình trạng tạm ngưng kinh doanh xăng dầu

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu và điều tiết hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: MOIT)

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, xăng dầu là vật tư chiến lược đối với mọi quốc gia. Vì là mặt hàng chiến lược nên các nước quy định đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có quy định rõ ràng về mặt pháp luật, có tổ chức thành hệ thống về quản lý, cung ứng kinh doanh xăng dầu trên phạm vi từng lãnh thổ.

Thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành và địa phương đặc biệt là Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố đã tham mưu, ban hành các quy định, triển khai thực hiện quản lý, điều hành giá xăng dầu nghiêm túc và đồng bộ.

"Có thể khẳng định thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá là ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định và cho biết, điều này cũng thể hiện được khi nguồn cung của Việt Nam ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung trong nước, nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Đồng thời, giá cả về cơ bản giữ được mức ổn định và bao giờ cũng thấp hơn so với khu vực và thế giới. Sở dĩ chúng ta làm được điều này là do chúng ta đã sử dụng tốt các công cụ quản lý giá như việc điều tiết các khoản thuế phù hợp, điều chỉnh thuế về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu. Có những địa phương, có thời điểm còn sử dụng cả quỹ an sinh để bảo đảm cho tình hình cung ứng và kinh doanh xăng dầu giữ ở mức ổn định.

Báo cáo cụ thể về tình hình thị trường xăng dầu hiện nay, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau thời gian tình hình giá xăng dầu thế giới bớt căng thẳng về nguồn cung, giá cũng giảm xuống, thì trong tuần vừa qua, nguồn cung lại khá căng, giá lại biến động tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây.

Tình hình rrong nước, tháng 8/2022 có 2,8 triệu m3 cả tồn kho gối đầu phải duy trì sang các tháng tiếp theo khoảng 1 - 1,3 triệu m3; nguồn tiêu thụ trong tháng khoảng 1,5 - 1,7 triệu m3. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn 6 tháng cuối năm và kế hoạch đăng ký với Bộ Công thương là quý III sẽ sản xuất 3,9 triệu m3, chiếm 72% tổng nhu cầu, quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.

"Về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, cả 2 nhà máy đều đang vận hành công suất tối đa. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Về tồn kho, tồn kho xăng dầu từ tháng 7 chuyển sang là 1 triệu m3, đến ngày 25/8 dự kiến là 0,9 - 1 triệu m3", ông Trần Duy Đông thông tin.

Về nhập khẩu, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520 nghìn m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500 ngàn m3. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, theo ước tính 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng.

"Nguồn cung từ trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng và hoạt động sản xuất", ông Trần Duy Đông khẳng định.

Thông tin thêm về tình hình kiểm tra, xử lý gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian vừa qua, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, theo báo cáo mới nhất, trong 2 tuần vừa qua, mới chỉ có một số ít cửa hàng xăng dầu được kiểm tra là không đảm bảo đủ. Tính đến ngày 25/8, trong 2 tuần, lực lượng quản lý thị trường tại một số địa bàn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã xử lý vi phạm hành chính 4 cửa hàng tạm ngừng hoạt động vì lý do hết xăng dầu.

Tính từ đầu năm đến nay, có 255/16.700 cửa hàng xăng dầu trên cả nước hiện nay đang dừng hoạt động do nhiều lý do. Các cây xăng này đang được Sở Công thương các tỉnh, thành phố đang xem xét xử lý để làm các thủ tục xin cấp lại.

Theo ông Linh, trong 2 đoàn mà Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, đã phạt vi phạm hành chính 23 doanh nghiệp đầu mối, với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó có xử phạt bổ sung là tước giấy phép là 1,5 tháng đối với 7 doanh nghiệp đầu mối.

"Trong 7 doanh nghiệp đầu mối này đến nay đã trả lại giấy phép do đã hết thời hạn giữ 1,5 tháng là 4 công ty. Còn lại 3 công ty, 1 công ty nữa trả giấy phép vào ngày 29/8. Như vậy, sẽ có 1 công ty sẽ trả nốt vào ngày 12/9, 1 công ty sẽ vào ngày 14/9", ông Trần Hữu Linh thông tin và nhấn mạnh cần phải đánh giá rõ ràng việc tác động của việc rút giấy phép như thế nào, bởi sau khi trả giấy phép, các công ty này đã nối lại việc cung ứng xăng dầu. Đặc biệt là 3 công ty chuẩn bị trả giấy phép, số lượng cửa hàng cũng như địa bàn và tình hình kinh doanh nhập khẩu lực lượng quản lý thị trường nắm rất kỹ khả năng tác động của việc cung ứng xăng dầu.

Đối với kết quả thanh tra 11 thương nhân đầu mối tại khu vực phía Nam, ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Thanh tra Bộ Công thương cho biết, qua thanh tra, đoàn thanh tra đánh giá với trách nhiệm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quá trình hoạt động kinh doanh đã chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, báo cáo định kỳ, đảm bảo nguồn cung ứng cho hệ thống phân phối khi thị trường khó khăn; chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn chất lượng trong kinh doanh,…

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như chưa đáp ứng quy định hệ thống phân phối, hệ thống kho bãi xăng dầu, công tác báo cáo chưa đầy đủ, chưa đáp ứng quy định nhập khẩu tối thiểu…

"Căn cứ kết quả thanh tra, đoàn lập biên bản vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân dầu mối và một số công ty con. Ngoài hình thức phạt tiền, đoàn cũng kiến nghị hình phạt bổ sung và khắc phục hiệu quả như tước giấy phép và sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu nhập khẩu từ 1 - 3 tháng và kiến nghị thu lời bất chính đối với tồn tại, vi phạm của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu", ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.

5 nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu

 Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt bằng những biện pháp như là giao chỉ tiêu tăng thêm đối với các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu; Uốn nắn, nhắc nhở các doanh nghiệp, thương nhân có chức năng phân phối, cửa hàng bán lẻ các vấn đề về việc chấp hành pháp luật; Tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh kịp thời.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: MOIT)

"Vì thế, tình hình xuất nhập khẩu phân phối, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước đã ổn định trở lại. Điều đó chứng tỏ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các biện pháp quản lý, điều hành của Chính phủ, của Bộ Công thương, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, những ngày gần đây, từ dư luận (mạng xã hội) và theo phản ánh từ một số địa phương và đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng, vừa qua, Thanh tra Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra toàn bộ doanh nghiệp đầu mối có chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu trên phạm vi toàn quốc có phát hiện những sai phạm và phải áp dụng khung hình phạt bổ sung là tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu xăng dầu gây ảnh hưởng nhất định tới nguồn cung.

Mặt khác, lại có ý kiến cho là chiết khấu hệ thống đến các cơ sở bán lẻ có chiết khấu bằng không nên các cơ sở kinh doanh càng bán càng lỗ vì thế, hạn chế mở cửa hàng, hạn chế bán ra thậm chí tạm ngừng kinh doanh mà không có lý do chính đáng.

"Đây là những thông tin không chính xác, không bình thường, rất có thể có một sự kích động, lôi kéo, bóp méo thông tin, gây rối tình hình, méo mó thị trường, náo loạn xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho rằng, việc thanh tra xăng dầu là vô cùng cần thiết, qua thanh tra những đơn vị sai phạm nhất định phải xử lý theo quy định.

Lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, không thể viện lý do bị tạm rút giấy phép, chiết khấu thấp mà để đứt nguồn cung trong khi giá xăng dầu giảm và ổn định. Hiện tại, nguồn cung trong nước là vô cùng dồi dào, đơn cử sản lượng của hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đã đáp ứng tới 80% nguồn xăng dầu của cả nước nên lượng xăng dầu nhập khẩu 20% tương ứng với 400.000 m3 là con số bình thường. Những doanh nghiệp bị rút giấy phép trong thời gian vừa qua cũng không có những hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu nên không thể ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

"Có 2 điều cần khẳng định tại cuộc họp hôm nay, một là, từ đầu năm tới nay Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Hai là, bằng mọi cách, Bộ Công thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Trong thời gian tới, để khẩn trương ổn định tình hình dư luận và giữ ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra 6 nhiệm vụ.

Thứ nhất, Vụ thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường và Sở Công thương của các địa phương cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác về những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, chủ chương, chính sách của Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan trong vấn đề quản lý, xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước để Nhân dân được biết và nhân dân ủng hộ, đập tan những thông tin xuyên tạc sai sự thật.

Thứ hai, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố; Đề nghị UBND, Sở Công Thương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên như Hội bảo vệ người tiêu dùng, các Hiệp hội, Ngành hàng nhất là Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tại các tỉnh thành phố trong cả nước sẽ chấn chỉnh ngay các hoạt động quản lý trong phạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình.

Các đơn vị chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiếm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước. Nếu phát hiện sai phạm như dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; Bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày; Các sai phạm khác thì căn cứ theo quy định của pháp luật tiến hành xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết, đúng luật, công khai trên cái phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc ở mức cao thì đề nghị xử lý theo quy định của luật hình sự.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị UBND các tỉnh thành phố. các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông xăng dầu trên phạm vi cả nước và trên từng địa bàn để tránh tình trạng đứt gãy.

Thứ ba, trước tình hình nhiễu loạn thông tin và có thể có sự đứt gãy bất thường về nguồn cung xăng dầu do thông tin không chính xác trên địa bàn cả nước và một số tỉnh, thành phố, Bộ Công thương đề nghị Bộ Công an và Công an các địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để nắm tình hình, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị các Bộ Tài chính xem xét những kiến nghị về việc nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu trong cấu thành giá của mặt hàng xăng dầu, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu không bị thiệt. Bộ Công thương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng đối với những doanh nghiệp thực chất có hoạt động nhập khẩu xăng dầu, nhất là những doanh nghiệp được giao tăng thêm chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu để phục vụ bổ sung vào nguồn cung xăng dầu trong nước.

Thứ tư, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam, các tổng công ty, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hãy ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, gương mẫu và nghiêm túc chấp hành luật pháp, chấp hành chỉ đạo, điều hành của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan cũng như chính quyền các địa phương thể hiện rõ quan điểm, không đồng tình với những dư luận, với những thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn xã hội.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động nguồn cung cho mình theo quy định để trong mọi tình huống không được để xảy ra đứt gãy hoặc thiếu nguồn cung, duy trì mức dự trữ thương mại theo quy định.

Thứ năm, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội kinh doanh xăng dầu của cả nước cũng như các địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng các cấp tăng cường giám sát các hoạt động quản lý xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước, bảo đảm đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, khách quan, công bằng để tạo ổn định xã hội.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-viet-nam-chua-bao-gio-thieu-nguon-cung-xang-dau-204659.html