Bộ Y tế: Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch COVID-19

04/08/2022 14:00

Kinhte&Xahoi Hiện ca mắc mới COVID-19 đang tăng cao nhất trong khoảng gần 80 ngày qua. Nhận định về tình hình dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.

Số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng mạnh

Tính đến hết ngày 3/8, Bộ Y tế cho biết có 2096 ca COVID-19 cao nhất trong khoảng gần 80 ngày qua.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.785.122 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.764 ca nhiễm).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 7.750 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.940.462 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy cũng tăng lên là 80 ca. Từ 17h30 ngày 2/8 đến 17h30 ngày 3/8 không ghi nhận ca tử vong.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 (Ảnh: Bộ Y tế)

Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5; Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng; cùng đó các dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm "phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở"; Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Tập trung hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022

 Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 3/8, đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 48.319.657 mũi tiêm (72,7%) tăng 0,4%, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 138.352 người được tiêm:

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Quảng Nam (53,4%); Khánh Hòa (54,5%); Bình Thuận (50,3%); Đồng Nai (46,4%); Cần Thơ (52,8%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Ảnh minh họa

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 10.063.270 mũi tiêm (51,0%) tăng 0,4%, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 251.352 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Hải Dương (27,9%); Bắc Cạn (27,4%); Nghệ An (26,5%); Sơn La (25,0%); Quảng Trị (27,6%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Điện Biên (99,3%); BR-VT (98,1%); Vĩnh Long (90,5%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm nhắc: 3.099.579 trẻ (35,4%) tăng 0,5%. Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp: Hà Tĩnh (16,0%); Đà Nẵng (13,0%); Phú Yên (9,5%); Bình Thuận (13,3%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,9%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi nhắc cao: Bắc Giang (79,7%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (67,1%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 12.415.685. Trong đó, mũi 1: 8.036.704 trẻ (70,3%); tăng 0,4%.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (51,6%); Hà Tĩnh (47,9%); Đà Nẵng (35,5%); Quảng Nam (40,6%); TP Hồ Chí Minh (44,2%).

Mũi 2: 4.378.981 trẻ (38,3%); tăng 0,3%. Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (18,1%); Đà Nẵng (14,8%); Quảng Nam (12,8%); Khánh Hòa (17,4%); Đắc Lắc (19,6%). Tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (73,0%); Sóc Trăng (78,2%); Bạc Liêu (72,5%).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiêm vắc xin và phòng, chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động.

Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin COVID 19, hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" đề phòng cháy nổ

TP Hà Nội yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải mở "lối thoát nạn thứ 2".

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-chu-quan-lo-la-trong-phong-chong-dich-covid-19-202614.html