Cả nước tiếp tục xuất siêu nhờ khu vực FDI

26/02/2021 16:42

Kinhte&Xahoi Dù tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có mức giảm so với cùng kỳ 2020, số vốn thực hiện vẫn duy trì mức tăng trưởng dương đáng khích lệ và FDI tiếp tục là khu vực đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu, bù đắp cho phần nhập siêu và giúp cả nước xuất siêu trong 2 tháng đầu năm nay.

Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) sẽ được mở rộng thêm 90ha. Ảnh: BGP

Liên tiếp cấp mới nhiều dự án

Bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay nhờ hấp lực của một điểm đến an toàn với nhiều kỳ vọng về triển vọng kinh doanh.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Bắc Giang cùng lúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên đến gần 570 triệu USD.

Đáng chú ý trong số 4 dự án này, sau nhiều dự đoán được đưa ra trước đó khá lâu, Tập đoàn Foxconn (Trung Quốc) chính thức triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu với quy mô lên tới 8 triệu sản phẩm/năm và có tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỉ đồng, tương đương 270 triệu USD. Chưa dừng ở đây, theo ông Trác Hiến Hồng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam chỉ tính đến cuối tháng 12.2020 là 1,5 tỉ USD, trong đó số vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn lao động. Dự kiến năm 2021, Foxconn sẽ tăng thêm đầu tư 700 triệu USD và tăng mới 10 nghìn lao động.

Mới đây nhất, UBND TP.Cần Thơ vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II quy mô 1,3 tỉ USD cho liên doanh đầu tư TCty CP Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).

Với dự án này, các nhà đầu tư Nhật Bản chính thức vươn lên đứng đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại TP.Cần Thơ.

Cụ thể trong tổng số 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỉ USD tại Cần Thơ tính đến nay, có 7 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký khoảng 1,345 tỉ USD.

Cách đây ít ngày, UBND TP.Đà Nẵng cũng trao giấy chứng nhận đăng kỳ đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của thành phố là Mỹ và Nhật Bản. Trong số này có dự án sản xuất vật liệu bán dẫn của một doanh nghiệp Mỹ với vốn đầu tư 110 triệu USD và 2 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 35,3 triệu USD.

FDI đảo ngược “dòng” nhập siêu

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm và dịch chuyển lớn dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, đầu tư FDI tại Việt Nam cũng hứng chịu nhiều tác động tiêu cực.

Số liệu vừa được Bộ KHĐT công bố ngày 24.2 cho thấy, tính đến cuối tháng 2.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỉ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó chỉ có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 74,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỉ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên vẫn có những tín hiệu tích cực ở khu vực FDI là trong 2 tháng đầu năm nay, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số 2,5 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Một kết quả gây nhiều chú ý là kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI trong các tháng đầu năm vẫn đạt tới 31,6 tỉ USD, tăng 31,2% so cùng kỳ và chiếm 66,6% kim ngạch nhập khẩu. Theo đánh giá của Bộ KHĐT, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI xuất siêu gần 6,5 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 6,3 tỉ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực FDI chiếm phần lớn chính là yếu tố bù đắp phần nhập siêu 3,9 tỉ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,6 tỉ USD.

Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, dịch COVID-19 đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây và Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng này. Giới đầu tư vì vậy đặt kỳ vọng khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu đối với các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu COVID-19.

Cùng với Foxconn, một loạt công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp.

Ngay trong quý I/2021, có nhiều thông tin về việc Oppo có kế hoạch thuê 62,7ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) và Pegatron sẽ thuê đất trong KCN Deep C (Hải Phòng).

Để đón làn sóng đầu tư FDI trong năm 2021, hàng loạt địa phương trong thời gian gần đây tiếp tục chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống các KCN trên địa bàn. UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây quyết định giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mở rộng KCN Yên Phong với tổng diện tích hơn 44ha.

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ ngày 23.2 cũng đồng ý cho Bắc Giang được bổ sung 3 KCN mới với tổng diện tích gần 800ha và mở rộng 3 KCN khác với diện tích tăng thêm hơn 320ha.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương sẽ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tốt nhất có thể đối với các nhà đầu tư như giao thông, điện, nước, môi trường… phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cam kết hướng dẫn, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng… để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.

Cơ hội vàng với bất động sản công nghiệp

Các chuyên gia phân tích của chứng khoán SSI nhìn nhận, giá cho thuê đất KCN tại Việt Nam hiện đang thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể thấp hơn khoảng 25%-30% so với Indonesia và Thái Lan vốn là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Với làn sóng dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc, giá đất KCN tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7%-8% tại khu vực phía Nam và 5%-6% tại khu vực phía Bắc trong năm 2021. C.V

 Văn Nguyễn - Theo Báo Lao Động

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đạt bước tiến vượt bậc về quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và sông Hồng

Chiều 25-2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Dự kiến, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I-2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/ca-nuoc-tiep-tuc-xuat-sieu-nho-khu-vuc-fdi-d149565.html