Các gói hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng!

16/06/2020 17:27

Kinhte&Xahoi Trong các ngày 13, 15-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Hỗ trợ phải minh bạch, đúng đối tượng

Một trong các nội dung được các đại biểu quan tâm là việc hỗ trợ đời sống cho người dân và hỗ trợ DN khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 cần sớm được thực hiện và đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh, trong khi điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, Chính phủ cũng đã dành nguồn ngân sách không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và DN. Các hỗ trợ đó thực sự thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc.

Đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ DN. (Ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, còn có một số bộ phận cán bộ cố tình làm trái vì mục tiêu vụ lợi, thay vì triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và của Bộ Lao động - thương binh và xã hội

thì họ đã nghĩ ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng mình.

“Lâu nay, cứ mỗi khi Chính phủ có một chương trình hỗ trợ cho người dân do bị thiệt hại, do thiên tai, dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở dường như lại coi đó là một cơ hội để trục lợi.

Tôi đề nghị với Chính phủ cần hết sức quan tâm đến hiệu quả, tính khả thi của chính sách. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ vẫn còn đang có những vướng mắc cần tháo gỡ; gói 16.000 tỷ, theo Nghị quyết số 42 cho người sử dụng lao động vay để trả lương, ngừng việc đối với người lao động. Còn theo Báo cáo số 2813 ngày 19-5 vừa qua của Ngân hàng Chính sách xã hội thì cho đến nay vẫn chưa hề nhận được một hồ sơ đề nghị vay vốn”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng băn khoăn khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chỉ dành cho các đối tượng có đời sống bấp bênh, vậy mà cán bộ ở một số nơi lại đưa người nhà, người thân quen của mình vào danh sách được hưởng.

“Cái đúng, điều tốt cần phải được nâng niu, trân trọng và nhân rộng. Cái sai, điều trái cần phải được phát hiện, đấu tranh và nghiêm trị, nhất là hành vi vòi vĩnh, trục lợi, tham nhũng trong bối cảnh khó khăn, cả nước đang gồng mình chống dịch”, đại biểu nhấn mạnh.

Các chính sách hỗ trợ cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng là đề nghị của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang). Theo đại biểu, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây.

Cứu sống doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhận định, hơn lúc nào hết, các DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ từ Chính phủ.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt chính sách ví như máy trợ thở cho các DN đã được ban hành. “Tuy nhiên, cũng có trên 36.000 DN rút lui khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra liệu đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ khối DN phục hồi phát triển thời kỳ hậu Covid-19. Đó là đẩy mạnh chính sách tài khóa về tiền tệ, trong đó chú trọng hai vấn đề. Thứ nhất, cần quan tâm đến chính sách dòng tiền, cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn đến DN, tránh tình trạng DN ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền.

Thứ hai, cần ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời hạn hỗ trợ hợp lý, xác định ngành ưu tiên hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi và sự ổn định của đầu ra để góp phần nâng đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của DN khác.

Đồng thời, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho DN. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với những DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ như thành lập quỹ đảm bảo tín dụng lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay của các DN, thậm chí xóa nợ nếu DN buộc phải tạm dừng hoạt động các do tác động của Covid-19; miễn hoàn toàn thuế thuê đất, mặt bằng kinh doanh các khoản thuế hết quý 4-2020, hoàn trả lại thuế VAT đã nộp kể từ thời điểm phát sinh dịch; hỗ trợ tiền lương cho người lao động…

“Việc triển khai gói hỗ trợ cho DN sẽ gây khó khăn với ngân sách Nhà nước, tuy nhiên cứu sống DN là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách, là khoản đầu tư lâu dài, bền vững của Chính phủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Theo đại biểu, trong hỗ trợ DN ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này hỗ trợ là phù hợp.

Đại biểu cho rằng, các DN đã cầm cự để tồn tại trong thời gian khá dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lo duy trì sản xuất, lương công nhân, lo giữ người lao động, lo giữ quan hệ thương mại, sản xuất. DN lớn thì ảnh hưởng càng lớn, nhất là đối với các DN du lịch, vận tải, xuất khẩu.

Dẫn thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đại biểu cho biết có 85,5% số DN bị ảnh hưởng và đề nghị Chính phủ sử dụng các chỉ số DN cuối năm 2019 để hỗ trợ doanh thu, thu nhập, nộp thuế.

“Nếu chúng ta dùng chỉ số năm 2020 thì đến năm 2021 DN mới được hỗ trợ, như vậy là sẽ không kịp thời. Thực tế, Chính phủ đã dùng số liệu giảm nghèo năm 2019 để hỗ trợ ngay cho người nghèo, người cận nghèo là rất đúng đắn, do vậy áp dụng số liệu chỉ số cuối năm 2019 để hỗ trợ cho DN là phù hợp”, đai biểu Bùi Thu Hằng nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/cac-goi-ho-tro-phai-dam-bao-cong-khai-minh-bach-dung-doi-tuong-197662.html