Cần có hướng dẫn chi tiết về cơ chế để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân

23/10/2022 10:42

Kinhte&Xahoi Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nhất trí với việc mở rộng thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở.

Các ĐBQH góp ý Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Hội trường chiều ngày 22/10.

Chiều ngày 22/10, tại Hội trường tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở...

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 chương 92 Điều, giảm 01 chương và tăng 18 Điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng. Qua tổng hợp cho thấy cơ bản các  ý kiến tán thành cao với dự thảo Luật. Đến nay còn nổi lên hai vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động và việc thành lập Ban thanh tra Nhân dân ở tất cả các tổ chức, cơ sở.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh)

Thảo luận tại Hội trường về Thanh tra nhân dân, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nhất trí với việc mở rộng thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, nhằm đảm bảo sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, kể cả người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động ở khu vực ngoài công lập.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp còn khó khăn và hiệu quả thấp do không có đủ điều kiện và thời gian, cũng như nghiệp vụ công tác thanh tra còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, dự thảo Luật và các văn bản quy định cụ thể cần phải có cơ chế để đảm bảo thực hiện đảm bảo tính khả thi, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để cho Ban thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu quả hơn.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp về vấn đề có thực sự cần thiết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám  cho rằng, vấn đề này có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn để thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm hết sức chú ý

Về cơ sở chính trị, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm hết sức chú ý. Thứ nhất là quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở  được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của nhân dân tại cơ sở. Điểm thứ hai là Ban Thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Về cơ sở pháp lý, đại biểu cho biết Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền làm chủ và việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các tổ chức cũng được quy định ở các văn bản dưới luật.

Về cơ sở thực tiễn, đại biểu Tám cho biết, thực tiễn cũng cho thấy việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, theo đại biểu, cần phải hệ thống hóa nội dung này để đưa vào luật nhằm đảm bảo tốt hơn, thể chế tốt hơn và thực hiện tốt hơn.

Cần quy định mức kinh phí tối thiểu phải bố trí cho Ban Thanh tra nhân dân

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, Ban Thanh tra nhân dân được quy định thành lập ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức sử dụng lao động khác. Xét theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân, việc mở rộng phạm vi các đơn vị, tổ chức phải thành lập Ban thanh tra nhân dân đã có nhiều mặt tích cực, góp phần nâng cao việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tuy nhiên, tại Luật Thanh tra năm 2010 đã có quy định về việc thành lập Ban Tthanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng theo đại biểu, thực tế cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức không thành lập Ban Thanh tra nhân dân. 

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ tán thành cao và những nội dung giải trình mà Ủy ban Pháp luật trình bày. 

Quan tâm đến nội dung tại Điều 15 quy định về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, nhân dân bàn và quyết định về những chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, công sức;  việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài nội dung pháp luật đã có quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do thôn, tổ dân phố được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác; nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;  bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; và ác công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội... 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Theo đại biểu, các vấn đề thỏa thuận giữa cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng đi đến một thống nhất chung trong thực tiễn. Do vậy đề nghị nội dung quy định cửa dự thảo Luật cần bổ sung cụm từ “thỏa thuận” về các nội dung được quy định trong Điều 15. 

Về quy định về đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định, theo ĐBQH Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), vấn đề này nên xem xét việc quy định có 10 % hộ gia đình đồng thuận thì với đưa ý kiến sáng kiến người dân ra bàn.

Theo đại biểu, quy định như thế này thì người dân sẽ rất ít đề xuất hoặc thậm chí sẽ không đề xuất sáng kiến của mình đối với cộng đồng dân cư. Đại biểu đề xuất những ý kiến của người dân mà có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư,  phù hợp với các quy định của pháp luật và được Ban công tác Mặt trận thôn, khu phố thống nhất thì vấn đề này có thể đưa ra bảng trong cộng đồng dân cư xem xét quyết định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình một số ý kiến của đại biểu.

Về những vấn đề cụ thể Đại biểu nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình làm rõ một số nội dung chủ yếu sau:

Về một số vấn đề chung: Ngay sau Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo đã triển khai nhiều công việc hết sức chặt chẽ, khoa học, cụ thể với một tinh thần phát huy tối đa dân chủ và thực hiện tinh thần dân chủ, toàn diện, rộng rãi để lấy ý kiến của các cái tầng lớp nhân dân, các cái đối tượng tác động. Đến nay thì khi trình ra Kỳ họp lần này dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở đã có thay đổi rất nhiều, trước đây chỉ có 7 chương hả và 74 điều thì nay là 6 chương và 92 điều. 

Thứ hai: Dự thảo luật được xây dựng trên một nguyên tắc cơ bản là thể chế hóa và thiết kế theo trình tự, phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, để bảo đảm tính bao quát, thụ hưởng của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thành quả của dân chủ cơ sở, thành quả của sự nghiệp đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Dân chủ ở cơ sở phải gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh, doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.

Với những nguyên tắc này, cách thiết kế của dự thảo luật đã đảm bảo được tính kế thừa, đổi mới và phát triển những cái quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành và đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn và xung đột với các văn bản luật liên quan. Việc thiết kế luật rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo được cái sự liên thông nhưng đồng thời không có sự xung đột, không có sự chồng chéo với các luật hiện hành và đảm bảo được tính chính trị, tính pháp lý, tính khoa học, tính đại chúng, dễ tiếp cận, dễ tra cứu, dễ thực hiện. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, đối với những nội dung cụ thể, chi tiết, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, những vấn đề có liên quan đến điều khoản chuyển tiếp… được đại biểu góp ý, Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu và phối hợp với Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo luận để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội là điểm sáng trong thực hiện an sinh xã hội

Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/can-co-huong-dan-chi-tiet-ve-co-che-de-dam-bao-hieu-qua-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-d185686.html