Cảnh giác với “bà hỏa” dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

04/01/2022 14:27

Kinhte&Xahoi Những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tiết trời hanh khô cộng với việc người dân bận rộn sản xuất, kinh doanh… không cảnh giác nguồn nhiệt, dẫn tới hỏa hoạn gây thiệt hai về người và tài sản. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người dân vui Xuân, đón Tết.

Liên tục xảy ra cháy lớn gây thiệt hai nhiều tài sản

 Hồi 17h35 ngày 30/12/2021, Công an huyện Gia Lâm nhận được tin báo của Trung tâm thông tin 114 - Công an thành phố Hà Nội xảy ra cháy tại quán ăn gà Mạnh Hoạch (địa chỉ: Khu Soi Baza, thôn 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm). Sau đó, đám cháy lan rộng ra nhiều lán trại, kho vải rộng gần một nghìn mét vuông. Lực lượng chức năng đã phải điều động nhiều xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa, cứu nạn, cứu hộ. Rất may vụ cháy không gây thương vong về người.

Hiện, Công an huyện Gia Lâm đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân, tổ chức khắc phục hậu quả cũng như đánh giá các tồn tại, hạn chế, kiến nghị phòng ngừa trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nhất là trong thời gian Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Vụ cháy lới tại thôn 6, xã Ninh Hiệp có diện tích gần 1000m2
Nhiều xe chữa cháy được điều động tới hiện trường dập lửa

Trước đó vào đêm 18/9, tại một shop quần áo ở khu biệt thự thấp tầng cũng ở xã Ninh Hiệp đã bất ngờ xảy ra vụ cháy rồi lan rộng ra xung quanh. Sau khi nhận tin báo cháy, lực lượng chữa cháy đã điều động nhiều lượt xe cứu hỏa cùng các chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.

Hơn 1 giờ sáng 19/9 đám cháy mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khói lớn vẫn âm ỉ bên trong. Lực lượng cảnh sát liên tục phun nước trong nhiều giờ để làm mát hiện trường, ngăn lửa bùng cháy lại. Ước tính sơ bộ có 4 căn hộ liền kề đều của shop quần áo cùng nhiều hàng hóa bị lửa thiêu rụi. Thiệt hại ban đầu ước tính nhiều tỷ đồng.

Tiếp đến, rạng sáng 31/12, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà kết hợp kho chứa đồ điện nước trong khu đô thị Cầu Diễn (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Một số người dân ở gần hiện trường cho biết, vụ hỏa hoạn bùng phát ở tầng 1 của căn nhà, nơi để vật tư điện nước.

Nhận được tin báo cháy, Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Bắc Từ Liêm đã điều động nhiều xe cứu hỏa cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong nhà có 2 người đang mắc kẹt đã được đưa ra ngoài an toàn.

Thông tin ban đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Được biết, ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn cao 5 tầng, rộng 80m2, đã thi công hoàn thiện phần thô, đang được cho thuê. Tầng 1 của ngôi nhà được sử dụng làm kho chứa vật tư ngành điện nước, các tầng còn lại là nơi sinh hoạt và bỏ trống.

Còn nhớ, trưa 4/2/2021, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại phòng trọ trong ngõ 73 phố Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa), khiến 4 thanh niên bị ngạt khói tử vong, 3 xe máy bị thiêu rụi.

Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân trong vụ cháy ở ngõ 73 phố Tam Khương (Khương Thượng, Đống Đa), rời khỏi hiện trường

Bước đầu xác định, nhóm thanh niên là Lê Bật Th, Lê Khắc S (cùng SN 1997, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), Giáp Văn N (SN 1997, ở tỉnh Bắc Giang) và Trần Duy H (SN 1997, quê Nam Định) tổ chức cúng ông Công ông Táo và mời Lê Bật Đ (SN 1993, ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) là anh ruột của Th đến ăn cùng. Đến trưa, S và Đ hóa vàng trước phòng trọ, còn N và Th đi thả cá ra hồ, khi vàng mã cháy đã bén lửa vào vật dụng xung quanh gây cháy lớn.

Tăng cường tuyên truyền phòng cháy dịp Tết

 Nhằm đảm bảo an toàn PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Công an TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Thực hiện kế hoạch của Công an TP, ngày 13/12/2021, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát động cao điểm đảm bảo an toàn PCCC mùa hanh khô và Tết Nguyên đán 2022.

Theo đó, Công an quận đã phát động toàn bộ các đội nghiệp vụ, Công an các phường tổ chức các hoạt động tăng cường công tác PCCC như: Kiểm tra an toàn PCCC&CNCH, tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức phát tờ rơi, kí cam kết đảm bảo an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; Đồng thời, tổ chức phát loa lưu động, tuần hành qua nhiều tuyến phố lớn trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền về các thông tin liên quan đến công tác PCCC&CNCH; Chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tháo bỏ lồng sắt, chuồng cọp, tạo lối thoát nạn thứ 2, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để hạn chế cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Ngay sau buổi tuyên truyền, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (địa chỉ số 2A Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Đồng thời, triển khai thực tập phương án PCCC&CNCH tại đây.

Công an quận Hoàn Kiếm đã phát động cao điểm đảm bảo an toàn PCCC mùa hanh khô và Tết Nguyên đán 2022

Cũng liên quan đến công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ trong dịp Tết, thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã đưa ra nhiều khuyến cáo như: Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các loại pháo, vũ khí, kể cả súng săn, súng hơi, súng thể thao, vật liệu nổ, đèn trời...

Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt… phải có người trông coi; Ban thờ phải cách xa vật liệu dễ cháy ít nhất 0,75 m, chân đèn, nến, bát hương đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy, cách xa các đồ thờ ít nhất 0,2m. Bát hương phải thường xuyên rút chân hương.

Người dân không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; Hạn chế khối lượng chất dễ cháy như hàng hóa, xăng dầu, gas trong gia đình; Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m; Sử dụng hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; Không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…

Các gia đình nên đầu tư lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, rò rỉ khí gas; Có phương án thoát nạn bằng các đường thoát hiểm… Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt lửa ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị phương tiện phá dỡ để mở lối thoát nạn; Mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói.

Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, người dân hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài; Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa, hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che chắn mặt, cơ thể; Tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh… đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho Cảnh sát PCCC theo số máy 114.

Thành Lộc -TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường học ở Hà Nội dạy học linh hoạt, ứng phó với cấp độ dịch Covid-19

Ngày 3-1-2022, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã gửi thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-giac-voi-ba-hoa-dip-tet-nguyen-dan-nham-dan-187187.html