Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

21/08/2022 15:10

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

“Nghìn lẻ” mánh khóe lừa tiền

 Dù đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn sập bẫy của các đối tượng.

Vừa qua, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 117 triệu đồng với thủ đoạn giả danh nhân viên tài chính cho vay qua mạng xã hội.

Lực lượng chức năng xác minh hành vi lừa đảo trên mạng xã hội

Trước đó, vào ngày 9/6/2022, Công an phường Thành Công tiếp nhận đơn trình báo của chị H (sinh năm 1981; Hộ khẩu thường trú tại Đông Anh, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.

Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị H đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau đó có một đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị H làm thủ tục vay 200 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân.

Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Hay như trường hợp của chị T.T.N.Q (Sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại Thanh Hóa), ngày 12/6, khi đang lướt mạng xã hội, chị Q thấy quảng cáo của một sàn thương mại điện tử với hình thức nạp tiền vào cho lợi nhuận cao.

Ban đầu khi còn nghi ngờ chị Q đã nạp thử 5 triệu đồng, sau đó rút lại được. Tuy nhiên sau khi nạp lên 15 triệu, chị Q được thông báo phải nộp 3 lần, tổng cộng là 45 triệu đồng thì mới được rút lại tiền. Vì khi đó không có sẵn tiền, chị Q đã vay mượn cho đủ số tiền nạp vào app, tuy nhiên khi nộp đủ 45 triệu theo yêu cầu, thì chị được lại được thông báo là quá thời gian nên không rút lại được tiền, muốn rút được tiền phải chờ 6 tháng sau.

Biết mình bị lừa chị Q yêu cầu trả lại tiền nếu không sẽ báo công an, tuy nhiên những đối tượng này rất thách thức bảo "cứ việc trình báo".

Điều đáng nói trước khi nộp tiền, chị Q đã hỏi một tài khoản khác cũng là người chơi của sàn thương mại này, người này cho biết đã nộp 45 triệu đồng và rút ra được, nhưng khi chị Q nộp tiền vào người này đã hủy kết bạn, block tin nhắn.

Không chỉ có nhiều thủ đoạn, mánh khóe lừa đảo, các đối tượng còn nhắm đến đối tượng là sinh viên cần tiền để trang trải các chi phí cuộc sống nên đã sử dụng chiêu trò thuê người giả làm người mua hàng để nâng cao doanh số và mức độ phổ biến sản phẩm thông qua một số sàn thương mại điện tử, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Mới đây, chị P.D.A, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội (quê ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, hiện trọ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) gửi đơn tới cơ quan chức năng trình bày: "Với mong muốn kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình, ngày 13/4/2022, tôi tìm việc online trên Facebook và vô tình được một website tuyển dụng tư vấn. Họ yêu cầu tôi kết bạn với một chị tư vấn viên tên là Nguyễn Mai Linh thông qua ứng dụng Zalo theo số điện thoại mà họ cung cấp.

Người dân cần đề phòng với những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng trên mạng ảo

Đối tượng này cho biết: “Công ty chị sẽ thuê em làm người mua hàng để nâng cao doanh số và mức độ phổ biến các sản phẩm của cửa hàng thông qua trang thương mại điện tử Shopee. Em sẽ được trả phần trăm hoa hồng tùy theo “nhiệm vụ”. Ví dụ, nếu em mua sản phẩm có giá 900.000 đồng và gửi hóa đơn để chị báo lên hệ thống thì khoảng 3-5 phút, sau khi hệ thống xác nhận hoàn thành đơn hàng sẽ chuyển lại cho em 990.000 đồng gồm 900.000 đồng tiền vốn và 10% hoa hồng”.

Với điều kiện vốn tối thiểu là 900.000 đồng, tôi đồng ý nhận “nhiệm vụ”. Đối tượng này gửi một đường link sản phẩm máy hút bụi trên Shopee có giá 900.000 đồng, sau đó tôi thực hiện “nhiệm vụ” và chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp.

Thực hiện xong “nhiệm vụ” này, tôi nhận được số tiền vốn và hoa hồng đúng như cam kết. Lần thứ hai, tôi vẫn nhận đầy đủ cả vốn và hoa hồng. Lần thứ 3, “nhiệm vụ” của tôi là chiếc điện thoại có giá 5.999.000 đồng. Thực hiện xong các bước như hai lần trước, đối tượng Linh cho biết, tôi phải thanh toán hai lần số tiền 5.999.000 đồng để nhận được vốn và 10% hoa hồng. Cố gắng vay mượn để thực hiện yêu cầu này nhưng tôi vẫn không nhận lại được tiền. Đối tượng tiếp tục đề nghị tôi nộp tiền thêm 6 lần nữa. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa...".

Những trường hợp kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều người bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, song tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội vẫn diễn ra nhiều và số nạn nhân bị “dính bẫy” vẫn không ngừng gia tăng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

 Trước thực trạng trên Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là "bẫy" của các đối tượng lừa đảo.

Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Một số phương thức lừa đảo qua mạng của các đối tượng (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Người dân, tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân cần liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra, xác thực hoặc liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Đối với hành vi lừa đảo từ một tài khoản từ nước ngoài, theo các chuyên gia cho hay, tình trạng lừa đảo qua mạng hiện nay rất phức tạp, đối tượng thực hiện hành vi thường ở nước ngoài, sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ (tài khoản mua bán trên mạng). Trong khi đó, kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế chính là "cơ hội béo bở" cho dạng tội phạm trên hoạt động.

Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, người dân không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài. Nếu nghe điện thoại của người lạ thì không làm theo hướng dẫn. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp số chứng minh Nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng… khi chưa biết người nói chuyện với mình là ai…

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiệu quả từ mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”

Sau hơn 4 năm triển khai, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người bán hàng cũng như người tiêu dùng, tạo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-giac-voi-nhung-chieu-tro-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-mang-203992.html