Cấp nước sạch cho nông thôn: Không thể mãi “trễ hẹn”

12/01/2024 10:00

Kinhte&Xahoi Hà Nội còn hơn 100 xã chưa được sử dụng nước sạch tập trung. Vấn đề này đã được cơ sở nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng việc tháo gỡ chưa đạt kết quả như mong muốn.

Tại hội nghị giao ban quý IV-2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đây tiếp tục là vấn đề “nóng”...
Vận hành hệ thống cấp nước sạch tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Hơn 100 xã chưa có nước sạch

Huyện Đông Anh đã hoàn thành hồ sơ trình cấp trên công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí trở thành quận, song đến nay, tại một số xã, người dân vẫn chưa được tiếp cận nước sạch. Tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường trăn trở: “Đông Anh còn 2 xã Liên Hà, Vân Hà chưa có nước sạch; đã có doanh nghiệp “trúng thầu” đầu tư hệ thống nước sạch nhưng chậm triển khai. Chúng tôi đã báo cáo rất nhiều trong các hội nghị nhưng chưa được tháo gỡ”.

Tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, Đan Phượng đã có 100% xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng còn một nửa số xã chưa có nước sạch. Năng lực của các đơn vị “trúng thầu” đầu tư mạng lưới nước sạch nông thôn các xã trên địa bàn đều rất yếu, triển khai chậm.

Cũng về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, huyện còn 10 xã chưa có nước sạch. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn mới đạt 43%. Với huyện Hoài Đức, mặc dù 21 xã, thị trấn trên địa bàn đều đã có nước sạch tập trung nhưng một số khu vực, người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường nêu cụ thể, 3 xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu mới cấp nước sạch ở khu vực trong đê, phần ngoài đê chưa có. Để cấp nước cho các thôn ngoài đê của 3 xã thì phải xây dựng các trạm tăng áp. Huyện đã giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chậm khởi công.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, thành phố có thêm 15 xã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, nâng tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung lên 289/413 xã. Hiện nay, còn 124 xã chưa có nước sạch.

Phải hoàn thành trong năm 2024

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công lý giải, việc chậm trễ trong thực hiện đầu tư mạng lưới cấp nước sạch nông thôn có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc nhiều năm trước, một số đơn vị được giao triển khai mạng lưới nước sạch cho các xã nhưng không thực hiện.

Từ khó khăn trên, năm 2021, Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh lại vùng cấp nước để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. UBND thành phố đã giao 10 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn triển khai cấp nước cho 136/139 xã theo hình thức xã hội hóa, thời gian hoàn thành là năm 2025. Riêng với 3 xã miền núi của huyện Ba Vì không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung, thành phố giao huyện thực hiện bằng vốn đầu tư công.

Liên quan từng dự án, theo phản ánh của các huyện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mỗi dự án có những vướng mắc riêng và đang được tháo gỡ. Cụ thể, đối với huyện Đan Phượng, việc “phủ sóng” nước sạch chậm là do đơn vị cấp nguồn là Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2 và Nhà máy Nước mặt sông Hồng chậm tiến độ. Về việc này, Sở Xây dựng đã tổng hợp tham mưu thành phố báo cáo Bộ Xây dựng và đề nghị tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện để Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2 sớm hoàn thành để cấp nước cho thành phố.

Tại huyện Hoài Đức, nhà đầu tư đã cam kết triển khai 2 trạm tăng áp cho 3 xã ngoài đê trong năm 2024. Đối với các khu đất dịchvụ của huyện Hoài Đức, theo quyết định chủ trương đầu tư của thành phố, trách nhiệm của nhà đầu tư nước sạch là cung cấp mạng lưới đến “chân dự án”. Bên trong dự án, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư khu đất dịch vụ. Sở Xây dựng đã yêu cầu đơn vị thi công mạng cấp nước có trách nhiệm mở rộng phạm vi phục vụ người dân. Đơn vị thi công đã thống nhất, xin thành phố điều chỉnh phạm vi triển khai dự án.

Đối với huyện Phúc Thọ, cuối năm 2023, Sở Xây dựng đã tham mưu, UBND thành phố Hà Nội đã giao Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua cùng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì nghiên cứu phương án cấp nước cho 9 xã còn lại (thay cho 2 đơn vị cũ được thành phố chấp thuận từ năm 2016, 2017 nhưng không triển khai). Tuy nhiên, huyện vẫn đang chờ thành phố thu hồi chủ trương đầu tư với 2 đơn vị cũ.

Về việc chậm trễ trong triển khai các dự án cấp nước sạch cho một số khu vực nông thôn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các sở, ngành liên quan và yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; có giải pháp, lộ trình triển khai để hoàn thành sớm tiêu chí này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp nước đã được UBND thành phố chấp thuận, bảo đảm hoàn thành cấp nước sạch cho 124 xã còn lại trong năm 2024.

Nguyễn Mai - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/cap-nuoc-sach-cho-nong-thon-khong-the-mai-tre-hen-655620.html