Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó bệnh viêm gan cấp ở trẻ em

13/05/2022 11:36

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh viêm gan cấp...

Hình minh họa 3D cho thấy lá gan bị nhiễm virus viêm gan. (Ảnh: Handout)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 2956/VPCP-KGVX ngày 12/5/2022 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bệnh viêm gan cấp ở trẻ em.

Cụ thể, theo thông tin của Tổ Chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua một số nước đã phát hiện bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, chưa xác định được nguyên nhân, với tỷ lệ chuyển nặng cao. Để chủ động phòng ngừa căn bệnh này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu:

Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống căn bệnh này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi bệnh có diễn biến phức tạp.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển để phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.

* TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ chưa rõ nguyên nhân nên chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. Tuy nhiên, các gia đình không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý các triệu chứng sớm của bệnh gan ở trẻ như sau:

Nếu trẻ có các biểu hiện như nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da, viêm kết mạc… thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

Nếu trẻ có tổn thương gan kèm theo cần được điều trị hỗ trợ và giám sát, đánh giá mức độ bệnh từ các bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bệnh nặng, trẻ cần được chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu. Nếu bệnh nhẹ có thể điều trị được tại cơ sở y tế địa phương. Tất cả các ca bệnh đều phải được báo cáo cụ thể và kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các địa phương.

Trong khi chờ các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ như: không dùng chung các đồ cá nhân, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền.

Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ tại các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân...

Phạm Duy - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/chinh-phu-yeu-cau-chu-dong-ung-pho-benh-viem-gan-cap-o-tre-em-d181841.html