Điểm tập kết xe đạp công cộng mới được bố trí trên làn đường dành riêng.
Tuyến đường dành riêng cho xe đạp dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông Tô Lịch, kết nối ga Láng (thuộc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) với ga S8 (thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội) và kết nối với 11 tuyến xe buýt. Trong đó có 3m dành riêng cho người đi xe đạp và 1m dành cho người đi bộ.
Trên tuyến đường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị thí điểm là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam bố trí 7 vị trí xe đạp công cộng kết nối tuyến đường đi xe đạp cùng các tuyến buýt và tuyến đường sắt đô thị.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào).
Xe đạp trên tuyến được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao: Cầu Mọc, Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, đường Láng - Lê Văn Lương, cầu 361, cầu Cót, cầu Yên Hòa.
"Đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng phương tiện xe đạp công cộng để kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng đường sắt đô thị, xe buýt, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông" - ông Trần Hữu Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Hữu Bảo, tới đây, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để nghiên cứu bố trí thêm làn đường dành riêng cho xe đạp trên những tuyến đường đủ điều kiện.
Người dân phấn khởi tham gia trải nghiệm làn đường dành riêng cho xe đạp đầu tiên tại Hà Nội.
Nhiều người dân bày tỏ hào hứng khi lần đầu được trải nghiệm đạp xe đạp trên làn đường dành riêng.
Chị Nguyễn Thanh Thúy (phố Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Lâu nay xe đạp đang phải đi chung trên đường hỗn hợp, tiềm ẩn nguy cơ va chạm giao thông. Việc thành phố có thêm đường dành riêng sẽ giúp người tham gia giao thông an toàn hơn. Xe đạp công cộng kết nối hiệu quả với mạng lưới đường sắt đô thị và xe buýt sẽ góp phần gia tăng người sử dụng phương tiện công cộng, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Hơn thế, tuyến đường dành riêng chạy ven sông Tô Lịch sẽ còn là điểm nhấn để trở thành cung đường đẹp của Thủ đô”.
Tuấn Lương - Hà Nội mới