Chờ du lịch nội địa sớm bùng nổ trở lại

11/04/2021 08:20

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 được kiểm soát, mùa Hè 2021 đang tới gần chính là dịp để du lịch nội địa hút khách và phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các DN phải đa dạng hóa thị trường khách du lịch và sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương hiệu.

Háo hức chờ đợi tour du lịch sau dịch

 Ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 lần thứ 3, rất nhiều tín đồ "cuồng chân" đã nhanh chóng lập hội đi du lịch khắp 3 miền. Thời điểm này trên các diễn đàn du lịch liên tục xuất hiện những lời kêu gọi lập nhóm đi khám phá cảnh đẹp các tỉnh Tây Bắc, biển đảo miền Nam như Phú Quốc, Côn Đảo.

Kết quả thu thập từ công cụ Destination Insights Việt Nam (cung cấp thông tin chi tiết về các điểm du lịch Việt Nam…) của Google cho thấy: Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch khá trầm lắng do dịch Covid-19 tái bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 Khách du lịch tại cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn. Ảnh: Thu Hương

Thế nhưng từ cuối tháng 2 đến nay, lượng du khách Việt tìm kiếm thông tin du lịch tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu được dịch chuyển của người dân rất cao, sẵn sàng du lịch trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy du lịch nội địa sẽ mau chóng phục hồi và bùng nổ trong thời gian tới.

‘‘Mùa du lịch hè đang đến, đồng thời các kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cũng đã tới gần nên dự báo đây sẽ là thời điểm vàng cho các đơn vị lữ hành chuẩn bị sẵn sàng đón làn sóng du khách trở lại’’ - Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nhận định.

Tìm lại vị trí tương xứng cho du lịch nội địa

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch gần như tê liệt, nhiều DN nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển ngừng hoạt động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch Covid-19 lại giúp du lịch nội địa tìm lại vị trí tương xứng, xóa dần sự ngăn cách giữa du lịch nội địa với quốc tế, đẩy mạnh việc tiếp cận của người Việt đến những dịch vụ đẳng cấp quốc tế, sang trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ: Cuộc khủng hoảng du lịch do dịch Covid-19 gây ra khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo về sự cân bằng giữa phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Từ trước đến nay, du lịch nội địa được coi như hoạt động tự phát và không được điều tiết. Vì vậy, khi du lịch khủng hoảng do dịch bệnh thì chúng ta mới hiểu thị trường nội địa chính là cứu tinh cho toàn ngành. Vì vậy, thời gian tới, các DN cần một nền du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ để có thể sống sót trong các cuộc khủng hoảng.

‘‘Thành công trong việc phục hồi du lịch của Trung Quốc thời gian qua là một minh chứng cho tầm quan trọng của du lịch nội địa. Chúng ta cần cân bằng mức đầu tư giữa thị trường nội địa và quốc tế, trong đó coi du lịch nội địa là thị trường chiến lược và lâu dài” - ông Vũ Thế Bình phân tích.

Đồng tình với phân tích này, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên chia sẻ: Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch lao đao nhưng cũng là cơ hội để ngành nhìn lại chính mình, trong đó có việc cân đối giữa các loại hình du lịch. Bên cạnh đó, đợt dịch vừa qua khiến chúng ta nhìn rõ hơn bản chất của ngành du lịch là phụ thuộc nhiều vào vấn đề an toàn, an ninh. Đảm bảo an toàn, an ninh ở bất kỳ khu vực nào là việc cực kỳ quan trọng, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho du lịch Việt Nam.

Cùng phối hợp hành động

Để thị trường nội địa hồi phục giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn đòi hỏi DN, địa phương đẩy mạnh liên kết cùng chia sẻ khó khăn và lợi ích bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên kết. Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn hóa Hà Nội) Dương Văn Sáu nêu rõ: Là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế du lịch vốn mang tính liên kết, thể hiện trên 3 khía cạnh: Kết nối thời gian - kết nối không gian và kết nối dịch vụ để phục vụ các đối tượng du khách. Điều kiện thực tế hiện nay thị phần thu hẹp, nguồn khách thu hẹp thì vấn đề đặt ra cho các DN du lịch là phải tăng cường tính liên kết, phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích, không kinh doanh độc lập theo kiểu “làm tất - ăn cả” như trước đây. Do vậy, phương châm hiện nay đối với các DN du lịch phải là “Phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích”.

Giám đốc Công ty Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, muốn tăng tính hiệu quả cho các chương trình kích cầu nội địa, cần có sự kết nối đồng bộ giữa các điểm đến, hàng không, lữ hành, lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí, từ đó tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, đáp ứng nhu cầu du khách. Nhìn nhận việc xây dựng mối liên kết qua đó khai thác thị trường nội địa Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phân tích: Khách quan mà nói, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để DN du lịch hợp tác chặt chẽ với các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch...

Thực tế cho thấy, thời gian qua DN du lịch và các tỉnh, thành đã đẩy mạnh liên kết cùng khai thác thị trường nội địa qua đó xây dựng nhiều liên minh kích cầu du lịch được hình thành. Trong đó nổi bật là liên kết giữa các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định...

Tuy nhiên, để khai thác được thị trường nội địa hiệu quả hơn đòi hỏi cơ quan nhà nước giám sát địa phương trong việc triển khai thực hiện hoạt động liên kết trao đổi khách. Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải có các chính sách khuyến khích cũng như giám sát việc thực hiện cam kết hợp tác giữa các DN, địa phương, điểm đến nhằm tạo ra các gói kích cầu trong thời gian đủ để sản phẩm đó “sống” được.

Như vậy trong thời gian tới khi Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch Covid-19, thị trường du lịch nội địa sẽ có cơ hội hồi phục và trở thành đòn bẩy cho toàn ngành phát triển. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu này đòi hỏi DN và các địa phương tổ chức kích cầu du lịch nội địa thông qua xây dựng tour mới và làm mới sản phẩm truyền thống; tổ chức chương trình khuyến mại và nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.

"Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiềm năng lớn về du lịch. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi, còn những phần chìm như sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, di sản văn hóa, vẫn còn có thể khai thác. Để phát triển, ngành du lịch cần làm rất nhiều việc từ cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng..., qua đó hỗ trợ DN khai thác thị trường du lịch nôi địa." - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

"Thị trường du lịch được dự đoán sẽ chuyển dịch từ thị trường quốc tế sang phát triển du lịch nội địa. DN lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần đảm bảo đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó cũng cần sớm nắm bắt tâm lý khách hàng, tăng cường chuyển đổi số, năng lực cạnh tranh để kịp thời “đi trước đón đầu”, tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ." - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.

 Thu Hương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những điểm đáng chú ý tại Quy hoạch phân khu H1-1A, khu phố cổ Hà Nội

Tuyến đường sắt quốc gia đoạn chạy dọc theo phố Gầm Cầu về lâu dài sẽ dỡ bỏ, cầu Long Biên hiện có được cải tạo nâng cấp thành cầu cho đường bộ đi riêng... là những nội dung đáng chú ý tại đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ) quận Hoàn Kiếm vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/cho-du-lich-noi-dia-som-bung-no-tro-lai-415465.html