Chốt phương án “giải cứu” hòn Trống Mái trước nguy cơ sạt lở

23/08/2023 08:55

Kinhte&Xahoi Để tránh việc gây tác động đến hòn Trống Mái - biểu tượng du lịch trên Vịnh Hạ Long, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã chốt phương án bảo vệ.

Ngày 23/8, trao đổi với Phóng viên Pháp luật Việt Nam, một vị lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan, sở này đã chốt được phương án bảo vệ hòn Trống Mái.

Cụ thể, để tránh việc tạo sóng, gây tác động đến hòn Trống Mái - Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh giao Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng và các phương tiện khi chạy qua khu vực này không được vượt quá tốc độ 10km/h và buộc phải giữ khoảng cách với hòn Trống Mái tối thiểu 70m.

Cũng theo sở này, để tạo ranh giới xung quanh hòn Trống Mái, đơn vị đang chuẩn bị lắp đặt hệ thống phao nổi đúng với khoảng cách đã qui định như trên.

Hòn Trống Mái biểu tượng của du lịch Quảng Ninh.

Trước đó, như Pháp luật Plus đưa tin Hòn Trống Mái là một trong những biểu tượng của du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung, cấu tạo chủ yếu bởi đá vôi Carbon - Permi hệ tầng Bắc Sơn. Hiện đảo đá này chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở.

Kết quả điều tra, đo vẽ chi tiết khu vực hòn Trống Mái kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh, xây dựng mô hình 3D bằng sử dụng thiết bị bay không người lái đã xác định trên khu vực hòn Trống Mái tồn tại 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối.

Ngoài ra, những yếu tố về con người cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ăn mòn, đổ lở ở hòn Trống Mái. Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị nhận thấy ngư dân vẫn vào khu vực hòn Trống Mái để khai thác hà biển, đánh bắt cá ... do không phải lúc nào cũng có cán bộ quản lý túc trực để bảo vệ.

Trước vấn đề trên UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND Ngày 24/3/2022, về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”.

Trong đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa - Thể thao là đơn vị tiếp nhận, ứng dụng kết quả nhiệm vụ. Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, thực hiện quản lý nhiệm vụ đúng quy định hiện hành.

Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, phục vụ nhu cầu quản lý, bảo tồn hòn Trống Mái, Sở Khoa học - Công nghệ đã thường xuyên đôn đốc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bám sát nội dung được phê duyệt để tổ chức triển khai đúng tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất các giải pháp, bảo tồn hòn Trống Mái.


Hòn Trống Mái còn có tên gọi khác là hòn Gà Chọi, có diện tích phần nổi khoảng 400 m2, gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long) khoảng 5km về phía Tây Nam.

Đây là một trong những cụm đảo nổi tiếng nhất của vịnh Hạ Long, xuất hiện với vị thế là biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chỉ dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. 

 Hoàng Nam - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/chot-phuong-an-giai-cuu-hon-trong-mai-truoc-nguy-co-sat-lo-d197695.html