Chốt trình Quốc hội chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an

07/10/2020 15:55

Kinhte&Xahoi Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được gửi tới Quốc hội, thống nhất thiết kế theo phương án, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đặt ở luật này…

Báo cáo Quốc hội theo phương án 1

Hồ sơ dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được gửi đến Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, dự kiến khai mạc ngày 20/10.

Đây là dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song song với Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì soạn thảo.

Điều 47, Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới. Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, thì phải sát hạch lại. Giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

Dự thảo luật gồm 8 chương, 72 điều, trong đó, Chương III quy định về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bao gồm giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe.

Theo tờ trình dự án luật, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án. Trong đó, theo Phương án 1, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn với Phương án 2, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Theo tờ trình dự án luật, Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1.

Chính phủ khẳng định, trình Quốc hội phương án này để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền con người.

Tách quản lý bằng lái có phá vỡ kết cấu giao thông?

Trước đó, sau khi xem xét cả hai dự luật tại phiên họp tháng 9/2020, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu bổ sung đánh giá tác động của việc tách giao thông đường bộ thành hai luật và việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn khi trình Quốc hội.

“Trách nhiệm về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, song cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính”, UB Thường vụ Quốc hội kết luận.

Đầu tháng 10/2020, UB Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra cả hai dự án luật nói trên. Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc có nên tách thành hai luật hay không.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng - An ninh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ là một luật chuyên ngành, có 4 chế định chính là 4 phạm vi điều chỉnh, gồm kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông. Nếu tách 4 yếu tố này sẽ phá vỡ kết cấu hệ thống giao thông.

Hơn nữa, trật tự an toàn giao thông chỉ là mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật Giao thông đường bộ, chứ không phải là đối tượng điều chỉnh. Nếu tách thành hai luật sẽ có hệ lụy là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình giao thông đường bộ và về mặt quản lý nhà nước, công trình giao thông đường bộ lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.

Đối với thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, một số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực UB Kinh tế của Quốc hội chưa đồng tình. Ông Hùng cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua có nhiều bất cập, nên đề xuất chuyển cơ sở đào tạo, sát hạch sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp, cần làm sáng tỏ các căn cứ chuyển thẩm quyền này.

Nguyễn Dương - Theo Dân Trí


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/chot-trinh-quoc-hoi-chuyen-quan-ly-giay-phep-lai-xe-sang-bo-cong-an-20201007112209121.htm