Chung tay giải cứu nông sản Hải Dương trước nguy cơ mất trắng vì dịch

19/02/2021 16:08

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh đang bùng phát mạnh khiến Hải Dương phải phong tỏa toàn tỉnh. Các mặt hàng nông sản cũng vì thế không tìm được đầu ra, lượng tồn lên tới hàng chục nghìn tấn.

Hiện nay, rau vụ đông trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Tính đến ngày 16/2, trên địa bàn tỉnh còn tồn trên 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch, 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho lạnh.

Ngoài ra, mặt hàng thịt lợn đang tồn khoảng 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông, chưa kể các loại hoa quả.

Người nông dân Hải Dương đang gặp vô vàn khó khăn.

Huyện Cẩm Giàng là vùng trồng cà rốt lớn ở miền Bắc, nhưng hiện nay theo ông Nguyễn Tiến Chức, Bí thư xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng, Hải Dương), lượng cà rốt chưa tiêu thụ được lên tới trên 30.000 tấn.

Trong đó, xã Cẩm Văn có 80 ha chưa thu hoạch, tồn khoảng 5.000 tấn. Riêng xã Đức Chính đang có lượng tồn cà rốt lớn nhất, lên tới 20.000 tấn (gần 150 ha cà rốt tại đây chưa thu hoạch). Ngoài ra, cà rốt tồn đọng 5.000 - 7.000 tấn đang bảo quản trong kho lạnh.

Lượng nông sản tồn đọng lên tới hàng chục nghìn tấn không tiêu thụ được.

Hiện tại, Cẩm Giàng đang là tâm dịch nên phải tạm dừng việc thu hoạch, vận chuyển trong 5 ngày tới để lấy mẫu xét nghiệm. Dù có thể ảnh hưởng tới việc thu hoạch cà rốt, nhưng theo ông Chức, thời tiết không mưa cũng giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Theo lãnh đạo địa phương, 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2 đã nằm trong kế hoạch. Các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài và đặt lịch tàu biển.

Vận chuyển nông sản phải đảm bảo công tác phòng dịch nghiêm ngặt.

Song, từ ngày 16/2, TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ Hải Dương và yêu cầu lái xe chở hàng đi Hải Dương khi về bắt buộc phải cách ly. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản của Hải Dương.

Đứng trước khó khăn này, nhiều người Hải Dương sống và làm việc ở các địa phương khác đã liên lạc với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản.

Nhiều tỉnh đã sẵn sàng hỗ trợ Hải Dương, trừ Hải Phòng.

Theo chị T (Chí Linh, Hải Dương), một trong các thành viên của nhóm giải cứu nông sản, hiện có khoảng hơn 90.000 tấn nông sản gồm hành, tỏi, cà rốt, su hào, cà chua, bắp cải, ổi,… không tiêu thụ được. Vì thế, nhóm của chị đã cùng với hợp tác xã Minh Đức tiêu thụ phần nào nông sản giúp người nông dân.

Các mặt hàng nông sản được bán với giá vô cùng rẻ. Theo đó, ổi chỉ có giá 50.000 đồng/10kg; su hào giá 40.000 đồng/20 cái; bắp cải, cà rốt, cà chua chỉ khoảng 35.000 - 70.000 đồng/10kg.

Người dân Hà Nội đang chung tay giải cứu nông sản giúp Hải Dương.

"Các hợp tác xã sẽ nhận đơn và chịu trách nhiệm vận chuyển lên Hà Nội. Công tác kiểm dịch và qua trạm kiểm soát sẽ được hợp tác xã chịu trách nhiệm", chị T nói và cho biết thêm, lượng đơn hàng đang tăng quá nhanh, do có rất nhiều người muốn chung tay ủng hộ Hải Dương vượt qua khó khăn.

Do quá tải, nên chị T hi vọng sẽ có nhiều hơn các nhóm giải cứu nông sản khác để cùng chung sức giúp người nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản.

 Thê Hưng - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Cầu Giấy trao giấy chứng nhận kết hôn cho công dân quốc tịch Việt Nam và British Citize trong ngày làm việc đầu năm

Ngày 17/2 vừa qua (mùng 6 Tết), trong ngày làm việc đầu tiên của xuân Tân Sửu, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức Lễ trao giấy đăng ký kết hôn cho chị Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 1993, quốc tịch Việt Nam cùng anh Glen Thomson Michael, sinh năm 1987, quốc tịch British Citize.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến đến hết ngày 28-2

Chiều 15-2, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của liên sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chung-tay-giai-cuu-nong-san-hai-duong-truoc-nguy-co-mat-trang-vi-dich-20210219124206870.htm