Chương trình “Đoàn kết chống dịch”: Từ tấm lòng đến với tấm lòng

23/08/2021 16:20

Kinhte&Xahoi Cùng với rất nhiều chương trình hỗ trợ người khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của Trung ương và Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ người gặp khó khăn trên địa bàn. Đáng chú ý Đề án và Fanpage “Đoàn kết chống dịch”, công khai số điện thoại của MTTQ của 30 quận, huyện, thị xã để hỗ trợ nhanh nhất cho những người đang thật sự khó khăn vừa được triển khai đã tạo nên hiệu quả rõ nét.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết: Trong thời gian giãn cách, với tinh thần “Không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm, hỗ trợ”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 100% hộ nghèo (trừ hộ đã được nhận theo Nghị quyết 68 của Chính phủ) với tổng số trên 3.431 suất quà, trị giá trên 3,431 tỷ đồng. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã kịp thời rà soát, phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện và nhà hảo tâm hỗ trợ trên 80.000 suất quà, trị giá trên 29 tỷ đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh, sinh viên…bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương trao quà hỗ trợ người lao động, các sinh viên gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tuy nhiên, do thời gian giãn cách kéo dài thêm 15 ngày, nhiều người bị kẹt tại các khu nhà trọ; nhiều người lao động tự do gặp khó khăn do phải ngừng việc, mất nguồn thu nhập… cần được giúp đỡ; cũng có nhiều người không biết đến các kênh hỗ trợ của chính quyền địa phương mà nhờ sự trợ giúp qua mạng xã hội. Cá biệt, cũng có những trường hợp đã được địa phương hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nhưng vẫn tiếp tục kêu gọi trợ giúp. Cùng với đó, bên cạnh nhiều tổ chức từ thiện hoạt động hiệu quả, bài bản thì cũng có tình trạng một số nhóm từ thiện tự phát trong quá trình triển khai các hoạt động không đảm bảo việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch bệnh, thiếu sự phối hợp với địa phương trong việc rà soát các đối tượng cần giúp đỡ. 
 
Để tiếp tục hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn một cách nhanh chóng, thiết thực, không bỏ sót đối tượng cũng như hạn chế việc hỗ trợ không đúng đối tượng, đồng thời kết nối để các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm đến đúng địa chỉ, ngày 9/8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã triển khai Chương trình “Đoàn kết chống dịch”, thành lập trang Fanpage và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã. Người khó khăn trên địa bàn Thành phố có thể gọi điện đến đến đường dây nóng hoặc nhắn tin trên Fanpage của chương trình để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng nhất với thông điệp “Dù bạn là ai, có hộ khẩu hay tạm trú ở Hà Nội, nếu khó khăn, bạn đều được giúp đỡ”.

Số điện thoại đường dây nóng của MTTQ Việt Nam Thành phố và MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã

Để triển khai Đề án, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã thành lập 03 Tổ công tác, nòng cốt là cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, đầu mối tại 30 quận, huyện, thị xã và một số tình nguyện viên tự nguyện tham gia. Mỗi tổ công tác được phân công phụ trách các nhiệm vụ cụ thể, theo quy trình: tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, người dân qua các số điện thoại đường dây nóng, qua Fanpage; Phân loại thông tin, cập nhật thông tin vào hệ thống; Chuyển thông tin về Mặt trận các quận, huyện, thị xã để xác minh, xử lý thông tin, đề xuất giải pháp hỗ trợ và phản hồi kết quả giải quyết lên hệ thống. Thông tin qua đường dây nóng và Fanpage của Chương trình cùng giải pháp hỗ trợ sẽ được cập nhật, báo cáo hàng ngày. 
 
Sau khi xác minh thông tin, với các trường hợp thực sự khó khăn, cán bộ Mặt trận và các ngành, đoàn thể, các tổ chức từ thiện sẽ trao hỗ trợ đến từng hộ gia đình. Việc hỗ trợ được phân cấp tới Mặt trận cấp cơ sở để chủ động thực hiện hỗ trợ kịp thời từ nguồn lực sẵn có. Trong trường hợp không đủ nguồn lực để hỗ trợ sẽ đề xuất Mặt trận cấp trên hỗ trợ. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố triển khai hỗ trợ theo đề xuất của Mặt trận quận, huyện, thị xã hoặc trong những trường hợp cần thiết, khẩn cấp.
 
Sau hơn 2 tuần hoạt động, Fanpage “Đoàn kết chống dịch” đã có trên 22.200 người tiếp cận; 2.107 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ, xin tư vấn về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố cho người lao động… Sau khi xác minh, MTTQ các cấp đã trao hỗ trợ cho 345 trường hợp. Số còn lại là các trường hợp đề nghị tư vấn về các gói hỗ trợ người lao động của Chính phủ, Thành phố, nhiều cuộc gọi phản ánh thông tin không chính xác hoặc những trường hợp đã được hỗ trợ, không thực sự khó khăn.

Hỗ trợ kịp thời nhóm 31 người mắc kẹt tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín

Ngày 13/8, ngay khi tiếp nhận thông tin 31 người đang mắc kẹt tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp cùng Hợp tác xã vận tải Hồng Liên hỗ trợ 31 suất quà nhu yếu phẩm, mỗi suất 10 kg gạo và 1 chai dầu ăn 1 lít.

Ủy ban MTTQ xã Bình Minh, Thanh Oai hỗ trợ nhóm 12 công nhân xây dựng người Tuyên Quang

Sáng 15/8, nhận thông tin có 12 công nhân xây dựng người Tuyên Quang bị kẹt tại xã Bình Mình, huyện Thanh Oai, sau khi xác minh, ngay trong chiều cùng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những công nhân này.

3 tổ thợ xây tại huyện Phúc Thọ được hỗ trợ ngay sau khi được xác minh

Chiều 19/8, cũng qua tiếp nhận phản ánh, 3 tổ thợ xây ở huyện Phúc Thọ gồm 24 người lao động tự do ở các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Thái Bình, Sơn La, trong đó nhiều lao động là người dân tộc Dao đã được hỗ trợ mỗi tổ thợ 50kg gạo, 1 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác như dầu ăn, mắm, mì chính.

6 nhóm thợ xây trọ tại xã Văn Bình, Thường Tín được hỗ trợ thông qua kênh hotline của chương trình

Nhận được thông tin qua kênh hotline, ngày 22/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã phối hợp cùng 01 nhà hảo tâm tại thôn Văn Hội, kịp thời hỗ trợ 6 nhóm thợ xây trọ tại địa bàn xã gồm 50 người nhu yếu phẩm, mỗi xuất gồm 20kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, nước mắm, mì chính, dầu ăn và 200.000 đồng tiền mặt.
 
Những trường hợp trên là những con số rất nhỏ trong số hàng trăm trường hợp đã được giúp đỡ thông qua Chương trình "Đoàn kết chống dịch". Những phần quà tuy nhỏ bé, nhưng đến kịp thời với những người khó khăn trong lúc này thật sự đáng quý, là nguồn động viên rất lớn giúp các hoàn cảnh khó khăn an tâm thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
 
Những ngày này, bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, sự tận tâm, mỗi cán bộ Mặt trận đều nỗ lực hết sức mình bởi theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương, đây là “Mệnh lệnh từ trái tim”. Thông qua chương trình, sẽ kết nối được nhiều hơn các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm có tấm lòng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn đến đúng địa chỉ. Những phần quà đến đúng người khó khăn, những thông tin hữu ích đến với những đối tượng cần hỗ trợ là động lực, là niềm cổ vũ tinh thần lớn lao của những cán bộ mặt trận các cấp chung tay, góp sức cùng Thành phố đẩy lùi dịch Covid-19.

Vương Vân -hanoi.gov.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2847740/chuong-trinh-oan-ket-chong-dich-tu-tam-long-en-voi-tam-long.html